Thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Chiều 27-12, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã tổ chức kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) để xem xét, quyết nghị các nội dung do UBND tỉnh trình.

Chủ trì kỳ họp có các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Dự kỳ họp có các ông: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và 59/68 đại biểu HĐND tỉnh.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức thụy

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã trình bày 10 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Trong đó, dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm.

Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên.

Là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.

Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa, trọng tâm là con người Gia Lai; chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,57%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 40%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đến năm 2030 đạt 77,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1% đến 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 3%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2% vào năm 2030…

Trên cơ sở đó, tỉnh xác định các đột phá về cơ chế, chính sách; về nhân lực; về hạ tầng; về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.


Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Góp ý dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị: Trong phương án phát triển các di tích lịch sử-văn hóa, UBND tỉnh cần rà soát kỹ các địa điểm trên địa bàn các địa phương, tránh trường hợp bỏ sót.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các đề án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Còn đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông thì cho rằng: Chư Prông là địa phương có tiềm năng để phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì diện tích chăn nuôi trên địa bàn huyện quá nhỏ, điều này sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển của địa phương. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh diện tích chăn nuôi công nghệ cao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số sai sót về địa danh, số liệu trong dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung thêm các tuyến giao thông có tính kết nối vùng, địa phương; điều chỉnh quy hoạch thủy điện cho phù hợp…

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 10 nghị quyết gồm: Nghị quyết về thông qua Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nguồn ngân sách địa phương); 8 nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 18 trụ sở Công an xã tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh.

Đây là các nghị quyết quan trọng tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Sau kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua; đề cao trách nhiệm, triển khai các nghị quyết đạt kết quả cao nhất.

Đối với Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

“Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa mới thông qua”-Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị.

NGUYỄN QUANG