Sáng ngày 22/8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đồng chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Chính vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Đến nay, trên phạm vi cả nước đã có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua, theo đó, chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân khai tại Quyết định số 326/QĐ-TTg; 04 quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số quy hoạch ngành quốc gia khác đang trong quá trình hoàn thiện; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch các vùng còn lại đang triển khai tổ chức lập.
Tại địa phương, đã có 36 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, trong đó: 01 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt (quy hoạch tỉnh Bắc Giang); 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên); 06 quy hoạch tỉnh đang xem xét thẩm định (Long An, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn); 24 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến. Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có tỉnh Thái Bình.
Kết quả nêu trên rất có ý nghĩa trong việc phối hợp giữa các quy hoạch trong Hệ thống quy hoạch quốc gia để rà soát, tham chiếu, tích hợp và hoàn thiện quy hoạch tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức lập quy hoạch tỉnh và đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MPI |
Tầm nhìn đến năm 2050: Thái Bình là tỉnh có kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường bền vững
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh nêu rõ quan điểm, đó là Thái Bình luôn xác định công tác triển khai lập quy hoạch là nhiệm vụ hết sức quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó, Thái Bình đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai các công việc trong lập quy hoạch tỉnh đặc biệt là lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia trong lập quy hoạch. Quá trình triển khai được tỉnh thực hiện một cách nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp Tỉnh hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch. “Các ý kiến góp ý sẽ là tài liệu quý báu để Tỉnh có những ý tưởng mang tính đột phá trong xây dựng quy hoạch, góp phần quan trọng vào việc phát triển tỉnh Thái Bình”, ông Thận nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu. Ảnh: MPI |
Với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tỉnh xác định công nghiệp – xây dựng là trụ cột tăng trưởng kinh tế. GRDP của ngành công nghiệp – xây dựng đạt 90 nghìn tỷ, đóng góp 38% vào tổng GRDP của tỉnh; trong giai đoạn 2010-2020, ngành công nghiệp – xây dựng tạo ra gần 1.5 tỷ USD giá trị GRDP, đóng góp 1 nửa trong mức tăng tổng sản lượng của Tỉnh.
Đại diện cơ quan soạn thảo Quy hoạch và đơn vị tư vấn chỉ rõ, “Thịnh vượng, đáng sống, bền vững” là 3 từ khóa mô tả xuyên suốt tầm nhìn của Thái Bình đến năm 2050. Theo đó, Thái Bình sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển của khu vực ĐBSH; là thành phố bình yên, an toàn, đáng sống; phát triển bền vững, trong đó bảo tồn được các giá trị văn hóa, cũng như gìn giữ môi trường cho thế hệ tương lai.
Các quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình được xác định với 6 định hướng lớn về pháp luật; kinh tế; tính bền vững; khoa học – công nghệ; xã hội; con người, trong đó, quy hoạch đô thị và giao thông tập trung tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ nhằm phát triển liên kết liên tỉnh, liên vùng với các khu vực lân cận; phát triển tập trung theo 02 trục chính: Bắc – Nam với động lực là khu kinh tế ven biển Thái Bình, và trục Tây – Đông với động lực kết nối thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Bình với cửa ngõ không gian biển.
Dự thảo đã đề xuất 8 nhóm quy hoạch bao gồm phát triển mối liên kết vùng; phân vùng và trục hành lang phát triển; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ logistic; phương án phát triển không gian kinh tế; định hướng quy hoạch không gian biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; một số đề xuất khác.
Tỉnh Thái Bình đặt 3 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) Phát triển nhanh và bền vững, và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) Tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) Tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%, đây cũng là kịch bản tăng trưởng tỉnh Thái Bình lựa chọn và đặt mục tiêu phấn đấu.
Dự thảo Quy hoạch cũng nhấn mạnh, định hướng đưa công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và trở thành 1 trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, các ngành kinh tế có sức cạnh tranh cao, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ.
Tỉnh Thái Bình đặt 03 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) phát triển nhanh và bền vững, và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%, đây cũng là kịch bản tăng trưởng tỉnh Thái Bình lựa chọn và đặt mục tiêu phấn đấu. |
Quy hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển và 1 số định hướng lớn thực hiện trong giai đoạn 2022-2030. Nhất là trong xây dựng và phát triển khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tăng cường chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng không gian lấn biển, tạo dự địa về không gian và quỹ đất cho phát triển…
Thái Bình cũng đề ra các định hướng phát triển trong liên kết vùng và phân vùng kinh tế; định hướng phát triển các ngành kinh tế, như: Công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị, hệ thống giao thông vận tải, logictics, các lĩnh vực y tế, giáo dục, quy hoạch sử dụng đất, an ninh, quốc phòng…
Cần xác định động lực mới cho Thái Bình đến năm 2050
Góp ý cho bản Quy hoạch, PGS, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Vì sao Thái Bình không phát triển được?” Với sự băn khoăn đó, vị chuyên gia này đi tìm lời giải qua phần thực trạng kinh tế – xã hội được tỉnh đưa ra trong dự thảo Quy hoạch.
Theo ông Thiên, Thái Bình không phát triển được là do nguồn vốn đầu tư phụ thuộc nhiều vào Trung ương, trong khi Trung ương đang đầu tư cho các nút thắt. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu Thái Bình không tăng thực lực, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn Trung ương thì “rất khó bay lên”.
Một vấn đề khác được ông Thiên luận giải đó là đặc điểm đô thị hóa thấp của Thái Bình, trong khi tỉnh này năm trong vùng trọng điểm quốc gia. Chỉ ra rằng, với 7 khu công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, 45 cụm công nghiệp, “thể hiện sự li ti, không thể là cơ sở để phát triển đô thị”, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Thái Bình cần phải tìm cách để thiết lập được mối quan hệ giữa công nghiệp và đô thị.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Về quan điểm phát triển được nêu trong Quy hoạch, ông Thiên thẳng thắn rằng, các quan điểm này còn chung chung, chưa nêu rõ được điểm đặc sắc, riêng có của Thái Bình.
Mục tiêu 10 năm tới tăng trưởng 13% mỗi năm, so với 2011-2020 là vượt bậc. Nhưng, ông lưu ý rằng, chỉ số ICOR của Thái Bình đang rất cao và đề xuất đơn vị soạn thảo và tư vấn quy hoạch cần lưu ý điểm này. Để Thái Bình có thể vươn lên trong tương lai, PGS, TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần phải tìm được động lực mới trong phát triển để tỉnh “bay lên”.
Thái Bình có lợi thế nông nghiệp, điểm nhấn về văn hóa, con người, ông Thiên đề xuất, nên thiết kế chuỗi du lịch Thái bình nối với các tỉnh (như Nam Định) thành mạch linh thiêng quốc gia, nối mạch Hà Nam, Ninh Bình để phát triển du lịch. Ông Thiên cũng chỉ rõ, nếu có du lịch vào thì nông nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều.
Còn TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, nằm trên hành lang kinh tế ven biển, Thái Bình cần khơi thông được nguồn lực, kết nối giao thông. Ông Chung cũng chỉ rõ, điểm yếu về kết nối giao thông của Tỉnh, khi chưa có sự kết nối giao thông với quốc gia; Mật độ đường bộ đạt thấp. “Điều này chưa được phân tích rõ trong Quy hoạch, nên chưa giải quyết được vấn đề trong bức tranh giao thông của Thái Bình”, vị chuyên gia này nêu rõ.
Theo ông Chung, Quy hoạch chưa nêu rõ được thị phần của đường thủy nội địa và đường biển, trong khi kinh tế biển đang có dư địa phát triển rất lớn tại Thái Bình.
“Thái Bình đang thiếu một hệ thống cảng cạn, là cánh tay nối dài của hệ thống cảng biển, cần luận giải và có số liệu để phát triển hệ thống cảng cạn, giảm chi phí logistics”, ông Chung nêu vấn đề và đề xuất .
Vị chuyên gia đến từ Bộ Giao thông vận tải cũng đồng tình với quan điểm của PGS, TS. Trần Đình Thiên khi đánh giá các quan điểm phát triển của Thái Bình. “6 quan điểm đặt vào tỉnh nào cũng đúng, phải tìm đặc thù của Thái Bình trong vùng, đặc điểm riêng của tỉnh. Phải gắn kết với kinh tế biển, tuyến hành lang ven biển”, ông chung nói.
Ông Chung cũng đề nghị, đơn vị soạn thảo và đơn vị tư phải phải phân tích quy hoạch kết nối với tỉnh Hà Nam hay Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… cần bao nhiêu cầu, đường… “Như vậy, Thái Bình mới hội nhập vào kinh tế vùng, kinh tế cả nước một cách triệt để”, ông nói.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý, trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch tỉnh Thái Bình và cho rằng cơ bản Hội thảo đã hoàn thành các nội dung chính trong kế hoạch đề ra. Đây là các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, làm cơ sở để hoàn thiện quy hoạch tỉnh Thái Bình đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khả thi.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các ý kiến của chuyên gia tham dự; đánh giá cụ thể các tồn tại trong phát triển kinh tế – xã hội Tỉnh trong thời gian qua, xác định trọng tâm phát triển để có các giải pháp phù hợp, sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định./.