Từ năm 2016 đến 2021, Sở Xây dựng đã kiểm tra, xác nhận xét duyệt hơn 18.000 đối tượng mua/thuê mua nhà ở xã hội.
Ngày 15-6, Thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về chương trình nhà ở giai đoạn 2016-2021 với Sở TN&MT và Sở Xây dựng. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) lâu nay gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư xây dựng. Điều này làm cho các doanh nghiệp ít mặn mà với các dự án này.
Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường, TP Thủ Đức là một trong 18 dự án TP sẽ triển khai trong năm 2022. Ảnh: VIỆT HOA
Không có dự án nào hoàn thành thủ tục dưới hai năm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, giai đoạn 2016-2020, TP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH. Trong năm năm, diện tích sàn NƠXH tăng thêm 1,23 triệu m2, đạt gần 70% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chủ yếu là phát triển dự án tại khu vực nội thành phát triển (14 dự án), các huyện ngoại thành chiếm tỉ trọng thứ hai (hai dự án), khu vực nội thành hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại (ba dự án) và khu trung tâm hiện hữu đã không còn dự án NƠXH nào.
Ông Khiết cho biết trong giai đoạn này, TP đã tạo được quỹ đất xây dựng NƠXH là hơn 24,5 ha đất trong 19 dự án. Tổng số sản phẩm NƠXH đã đưa ra thị trường là gần 15.000 căn, phục vụ cho các đối tượng người lao động có thu nhập thấp theo quy định.
Cũng trong giai đoạn này, Sở Xây dựng đã kiểm tra, xác nhận, xét duyệt hơn 18.000 đối tượng mua/thuê mua NƠXH. Trong đó, kiểm tra, xác nhận hơn 17.600 đối tượng chưa được hưởng chính sách về nhà ở đối với các dự án NƠXH đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Sở cũng xét duyệt 509 đối tượng đủ điều kiện mua/thuê mua NƠXH được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Theo Phó iám đốc Sở Xây dựng, từ nay đến năm 2025, TP phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 47 dự án NƠXH. Trong số này có 34 dự án thương mại có quỹ đất 20% dành để xây dựng NƠXH và 13 dự án chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết TP đang xây dựng quy trình để “dọn đường” cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục để đầu tư dự án NƠXH quá phức tạp và kéo dài, khiến cho doanh nghiệp không mặn mà. Theo các quy định hiện nay, việc đầu tư xây dựng dự án NƠXH vốn là dự án cần được ưu tiên thì lại khó khăn hơn rất nhiều so với dự án thương mại bình thường” – ông Khiết nói.
Theo ông Khiết, cũng do nhiều vướng mắc khiến 13 dự án hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường, GPMB (vốn là khâu mất thời gian nhất) nhưng cũng chưa thể triển khai xây dựng. “Mới đây, chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo không bàn nhiều nữa mà đến tháng 6 này phải ban hành cho được quy trình rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng NƠXH” – ông Khiết nói.
Rút ngắn quy trình nhưng không thể làm trái luật
Ông Khiết cũng thông tin: Hiện nay, TP đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư xây dựng NƠXH trong các cuộc họp hằng tuần. Theo đó, TP quyết tâm rút ngắn quy trình và thời gian xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng NƠXH.
“Hiện nay, nếu làm theo đúng quy định và suôn sẻ từ đầu đến cuối, không bị vướng mắc nào cản trở thì một dự án NƠXH phải mất 1,5-2 năm mới hoàn thành thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có dự án nào làm đúng trong thời gian này” – ông Khiết cho biết.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết TP đang xây dựng quy trình để “dọn đường” cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, có rút ngắn tối đa thì cũng phải mất 100-180 ngày làm việc, đối với đất công có khi phải mất tới 300 ngày, đó là với trường hợp hồ sơ không vướng mắc gì.
Ông Khiết thông tin: Việc rút ngắn quy trình, thủ tục là do TP tìm mọi cách linh hoạt để giảm được các khâu không cần thiết. Tuy nhiên, tính từ năm 2019 đến nay, tất cả luật về đầu tư, xây dựng đều thay đổi, vì vậy quy trình, thủ tục cũng thay đổi. Đặc biệt, Luật Đầu tư mới đã thay đổi toàn bộ quy trình so với quy định trước đây. “TP chủ động vận dụng mọi điều kiện để giảm thủ tục, rút ngắn quy trình nhưng cũng không thể nằm ngoài quy định của các luật có liên quan” – ông Khiết nói.
Phân tích thêm về 13 dự án hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thành GPMB, ông Khiết cho rằng theo quy định, các chủ đầu tư phải thực hiện 20% quỹ đất trong các dự án này. Nếu doanh nghiệp không làm thì phải bàn giao lại cho Nhà nước và Nhà nước phải trả lại tiền doanh nghiệp đã bỏ ra để đầu tư hạ tầng, GPMB.
Tuy nhiên, hoàn tiền cho chủ đầu tư cũng không dễ, vì sẽ trả theo giá nhà nước (thường dùng để bồi thường, GPMB các dự án đầu tư công) hay trả theo giá chủ đầu tư đã bỏ ra để thương lượng với người dân? Về việc này, TP đã hỏi ý kiến các bộ Tài chính, Xây dựng nhưng chưa được hướng dẫn.•
Gỡ vướng cho 37 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất làm NƠXH
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong năm 2022, TP sẽ triển khai thực hiện 18 dự án NƠXH. Từ nay đến năm 2025, TP cũng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư cho 37 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất để xây NƠXH. Theo đó, TP sẽ tăng trách nhiệm của các sở, ngành đối với từng thủ tục đầu tư dự án. Cụ thể, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (Sở KH&ĐT); chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc (Sở QH-KT); giao đất, tính tiền sử dụng đất (Sở TN&MT); cấp phép xây dựng, giá bán, cho thuê mua, xác nhận đối tượng đủ điều kiện được mua/thuê mua (Sở Xây dựng).
Theo PLO