Ngày 17/8/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Thái Bình
Thái Bình nằm trong vùng Duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 10 năm qua, nhưng sự phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Các hạn chế trong quá trình phát triển của Tỉnh được chỉ ra là cơ chế, chính sách chậm đổi mới so với yêu cầu phát triển mới; nhất là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ còn rất hạn chế so với các lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của ngành nông nghiệp ngày càng giảm dần.
Quy mô kinh tế của Tỉnh còn nhỏ, trình độ phát triển chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp, tăng trưởng kinh tế còn dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng vốn và lao động. Chưa có các ngành sản xuất chủ lực, đầu tầu dẫn dắt. Hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản còn thấp; đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vào tăng trưởng chung của Tỉnh còn rất thấp so với quy mô. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản không cải thiện, trong khi Tỉnh có cơ cấu nông nghiệp lớn; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế còn cao, nhất là so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thái Bình còn chưa đạt trung bình cả nước, tốc độ bắt kịp có dấu hiệu chững lại trong các năm gần đây.
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn cao hơn đáng kể tỷ trọng khối ngành này trong cơ cấu kinh tế của cả nước (23% so với 14% năm 2019).
Thu nhập bình quân năm 2020 của tỉnh Thái Bình bằng tương đương thu nhập bình quân của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của Tỉnh là 2,35%, tương đương 49% mức trung bình cả nước (4,8%) và thấp hơn 45 tỉnh, thành phố khác.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Bình xác định 3 khâu đột phá – 4 trụ cột tăng trưởng – 5 nền tảng – 6 quan điểm phát triển và 7 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, có những định hướng mới mang tính chiến lược và đột phá như: Xây dựng khu công nghiệp chuyên dược; xây dựng cảng biển; phát triển năng lượng (điện khí, điện gió); phát triển các ngành dịch vụ mới, chất lượng cao (dịch vụ giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, golf…) và chuẩn bị các hệ điều kiện để thực hiện phương án lấn biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh.
Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.
Thái Bình cũng cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch Tỉnh một số nội dung, định hướng mới nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm cho Quy hoạch tỉnh Thái Bình có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trước mắt, cũng như lâu dài và phù hợp với văn bản chỉ đạo mới của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.
Thái Bình là một tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.
Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phân tích của đơn vị tư vấn, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế phía Đông, mặt tiền hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Hồng, với chuỗi liên kết các hoạt động kinh tế gắn biển như: công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ vận tải biển, du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên biển… Là Tỉnh đi sau, chịu tác động lan tỏa của các trung tâm kinh tế biển mạnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng với quá trình tăng cường nâng cấp hạ tầng kết nối ven biển, Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.
Hiện tại tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành – Cồn Thủ…
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu khu vực công nghiệp hoàn thành chuyển dịch từ mô hình dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới.
Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
“Nhắc đến Thái Bình, phải nói đến sứ mệnh lớn là đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực của cả nước, nhưng phát triển nông nghiệp thì không thể giàu có, không thể phát triển nhanh được. Nhưng vấn đề lấn biển, giảm diện tích các khu bảo tồn là vấn đề lớn cần làm rõ và phải có luận cứ”, Bộ trưởng nói.
Chuyên gia Nguyễn Vũ Trung đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, lấn biển là xu thế tất yếu, tự nhiên của Thái Bình, tốc độ lấn biển hiện nay đạt khoảng 30 m/năm.
“Để Thái Bình phát triển những vẫn đảm bảo an ninh lương thực thì là phải lấn biển. Việc lấn biển, hình thành các khu công nghiệp ven biển sẽ giúp kết nối với TP. Hải Phòng thông qua tuyến đường ven biển”, ông Trung đưa ra quan điểm. Ông cũng lưu ý cần phân tích rõ khả năng bồi tụ phù sa để có lộ trình lấn biển phù hợp.
Cũng về vấn đề này, dưới góc độ pháp luật, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu 5 – 10 năm trước, mong muốn muốn lấn biển bị hạn chế bởi không gian chính sách, thì trong thời kỳ quy hoạch lần này, Thái Bình đang có những thuận lợi hơn, khi mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét có nghiên cứu rất kỹ vấn đề lấn biển.
Thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Bình với 2/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung, 28/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung; thông qua báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Thái Bình với số phiếu 30/30 phải chỉnh sửa, bổ sung và thông qua dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh với số phiếu 14/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung, 16/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung.
Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Thái Bình sớm chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ.
Để sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng thẩm định để Thái Bình có bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý cơ quan tư vấn cần chỉ ra được những điểm nghẽn, đó chính là bài toán cần giải quyết sau.
Về ba kịch bản phát triển, Bộ trưởng cho rằng, cần có luận chứng, luận cứ rõ hơn. Bộ trưởng cũng yêu cầu làm rõ khu vực đề xuất lấn biển: đây là xu thế, yêu cầu, nhưng làm sao đưa ra được diện tích đề xuất khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường; cần đánh giá tác động để tìm ra phương án phù hợp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đánh giá tác động đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi, hoạt động lấn biển; xem xét kỹ lưỡng việc khai thác cát…/.