Quy hoạch để Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất

Đây là mong muốn, sự tin tưởng của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi dự Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố trực thuộc Trung ương thứ 3 (sau thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, chiều 15/1.

Quy hoạch để Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Những ý tưởng, tầm nhìn của Hải Phòng cần sớm đặt trong mối quan hệ của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với với các vùng khác và quốc tế – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hải Phòng là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ trù phú.

Một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước

Là một đỉnh trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hải Phòng có vị trí địa kinh tế độc đáo với hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đặc biệt là đường biển để trở thành một trong những “cửa ngõ” kết nối quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía bắc và khu vực phía nam Trung Quốc thông qua hai hành lang kinh tế chiến lược: Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; cùng với đó là hành lang ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình.

Thành phố có tiềm năng nổi trội về du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng với quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới,…

Đây cũng là địa bàn có một vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh với đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ ở gần giữa Vịnh Bắc Bộ và hệ thống các đảo ven bờ.

Nơi đây đã ghi dấu những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của cha ông ta được sử sách lưu danh như 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, của Lê Hoàn năm 981, của Trần Hưng Đạo năm 1288… và là nơi xuất phát của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Đặc biệt, Hải Phòng là thành phố cảng giàu truyền thống “Trung dũng, Quyết thắng”, “Năng động, Sáng tạo”. Nhân dân Hải Phòng anh hùng, khí phách, trượng nghĩa, luôn có khát vọng phát triển quê hương ngày càng hiện đại với tinh thần “nói là làm”.

“Hải Phòng có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với những điểm khác biệt nổi bật về vị trí địa lý, vị thế địa – chiến lược và chức năng trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc Bộ trong thời đại hội nhập, mở cửa và trong kỷ nguyên của biển và đại dương”, Phó Thủ tướng nói.

Phát huy những tiềm năng lợi thế đó, với tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Điều đó được thể hiện qua các con số hết sức ấn tượng: Quy mô nền kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 10,34%, đứng thứ 5 cả nước; đây là năm thứ 9 liên tục tăng trưởng của thành phố đạt mức hai con số. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD đứng thứ 2 cả nước.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thành phố tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối, chia sẻ. Bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, thay đổi nhanh chóng trong khoảng 10 năm trở lại đây, dần mang dáng dấp của một đô thị tầm cỡ châu lục. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 7.000 USD/người (cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước). Tỉ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2023 ước đạt 86,5%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38%.

Các chỉ số môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng luôn ổn định, ở top đầu cả nước, trong đó: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố xếp vị trí thứ 3; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp vị trí thứ 2; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS xếp vị trí thứ 10; chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 15 trong số các địa phương trên cả nước.

Trong bối cảnh tăng trưởng của cả nước năm 2023 rất khó khăn, những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải phòng là đặc biệt quan trọng.

Quy hoạch để Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa

Phó Thủ tướng cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho Hải Phòng phát triển, trong năm 2023, với sự nỗ lực của thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản Quy hoạch thành phố Hải Phòng được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía bắc và kết nối quốc tế.

Đồng thời, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của nhân dân Hải Phòng về một thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Bản quy hoạch khi được hiện thực hóa sẽ là cơ sở để Hải Phòng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Người dân Hải Phòng trong tương lai gần sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững, đa tầng; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch thành phố Hải Phòng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 558 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo dưới 0,1%; cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các mục tiêu trên chỉ có thể đạt được với sự tổ chức thực thi và giám sát thực thi hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản quy hoạch này.

Quy hoạch để Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn, khi lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, Hải Phòng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ưu tiên cho hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số

Chia sẻ một số suy nghĩ trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng mong muốn thành phố nỗ lực đổi mới sáng tạo, tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 để tìm ra con đường đổi mới và phát triển hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Thành phố cần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Quy hoạch thành phố Hải Phòng cần tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng về xây xây dựng, mạng lưới đô thị, nông thôn, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật… nhằm đem đến hình dáng phát triển rõ ràng hơn trong tương lai”, Phó Thủ tướng trao đổi và lưu ý “sớm xác định một số công việc phải làm ngay để thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị”.

Trong đó, ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn,…

“Những ý tưởng, tầm nhìn của thành phố cần sớm đặt trong mối quan hệ của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với với các vùng khác và quốc tế, với các dự án hạ tầng để tạo nền tảng phát triển lan toả”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới, (như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…) mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Hạ tầng xã hội phát triển theo hướng đa năng, ưu tiên mở rộng không gian văn hóa đô thị nhất là không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước, khuyến khích phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ.

Quy hoạch để Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng trao quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, trình duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thu hút đầu tư bằng năng lượng xanh

Với yêu cầu thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, năng lượng sạch, du lịch xanh, Phó Thủ tướng cho rằng khả năng làm chủ và chủ động nguồn năng lượng xanh của Hải Phòng sẽ làm nên sức hút đầu tư, cùng với vị trí địa kinh tế độc đáo, nhân lực chất lượng cao, chính sách đất đai.

Thành phố khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng. Triển khai đồng bộ, quyết liệt việc tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, nước thải đô thị bằng công nghệ hiện đại.

“Hải Phòng đã có thời gian là trung tâm công nghiệp, cảng biển, nên môi trường rất ô nhiễm, cùng với thay đổi mô hình tăng trưởng, thành phố cần quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, thích ứng biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, khi lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, Hải Phòng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.

“Những doanh nghiệp đến với Hải Phòng, không chỉ cam kết đầu tư mà cả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai, để lao động Việt Nam làm chủ những khâu quan trọng, có giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất, thương mại hoá…”.

Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng đẩy nhanh triển khai các chính sách về nhà ở nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bảo đảm dịch vụ xã hội đô thị và hệ thống an sinh cho mọi người dân; trở thành thành phố thông mình, có đầy đủ hạ tầng thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản trị thành phố và phát triển năng lượng xanh.

Hải Phòng cần chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.

Đáng chú ý, Hải Phòng đang có những những khu bảo tồn thiên nhiên hết sức quan trọng như Cát Bà, Lan Hạ đã được đưa lên bản đồ bảo tồn thế giới. Đây là sự quảng bá tốt nhất cho Hải Phòng và Việt Nam, cũng là nguồn tài nguyên quan trọng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, cùng với các lễ hội văn hoá nhằm tạo thành các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp của thành phố Hải Phòng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới tác phong lề lối làm việc; tiếp tục phát huy sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng và phân cấp mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với tiềm năng, lợi thế; với thành tựu và nền tảng được tạo lập cùng truyền thống của đất cảng Anh hùng; tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân thành phố, Hải Phòng sớm trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, giàu mạnh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Minh Khôi