Các yếu tố tác động đến giá thành dự án nhà ở thương mại hiện nay gồm tiền sử dụng đất, chi phí quản lý và năng lực của chủ đầu tư thậm chí cả chi phí “không tên” cũng tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.
Người mua nhà phải gánh chịu cả các chi phí “không tên” trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.
“Bóc mẽ” lý do giá nhà phi mã
Tại báo cáo thị trường quý III/2020, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị lớn.
“Giá đất đai ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh. Dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Trong giai đoạn vừa qua hầu hết phải điều chỉnh cho phù hợp, để lôi kéo lực cầu thị trường trở lại”, ông Đính nói.
Nhìn nhận về giá nhà hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện căn hộ trung cấp 2 phòng có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP HCM trong hai năm qua.
Theo ông Châu, các yếu tố tác động đến giá thành dự án nhà ở thương mại hiện nay gồm tiền sử dụng đất, chi phí quản lý và năng lực của chủ đầu tư thậm chí cả chi phí “không tên” cũng tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.
Trong đó, chi phí tạo lập quỹ đất dự án nhà ở thương mại thường chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành đối với dự án nhà chung cư (tùy thuộc dự án cao tầng hay thấp tầng). Đối với nhà phố chiếm trên dưới 30% giá thành và chiếm trên dưới 20% giá thành đối với các dự án nhà ở hỗn hợp (gồm nhà chung cư, nhà phố, biệt thự), tùy theo cơ cấu sản phẩm nhà ở của dự án.
Về chi phí xây dựng thường chiếm khoảng trên dưới 50% giá thành đối với dự án nhà chung cư (tùy thuộc dự án cao tầng hay thấp tầng); đối với nhà phố vào khoảng 30% giá thành.
Ông Châu cho rằng, chi phí xây dựng tại các địa phương trong cả nước thường không khác nhau nhiều (trừ một số khu vực đặc thù). Ví dụ, giá thành xây lắp công trình nhà chung cư khoảng 20 – 30 tầng khoảng 12 triệu đồng/m2 sàn. Nhà càng cao tầng thì chi phí xây dựng càng cao hơn.
Chi phí tài chính bao gồm chi phí trả lãi vay trên nguồn vốn vay để đầu tư thực hiện dự án. Nếu dự án nhà ở thương mại được thực hiện suôn sẻ trong ba năm, thì chi phí tài chính thường chiếm khoảng trên dưới 10%/giá thành.
Ngoài ra, những chi phí “không tên” thường được các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tính vào trong khoản chi phí dự phòng. Ông Châu cho rằng, giá trị các khoản chi phí “không tên” là không hề nhỏ, nhưng do không đảm bảo tính hợp pháp của khoản chi, nên không được tính vào chi phí đầu tư dự án và cuối cùng chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.
Đề xuất loạt giải pháp hạ giá nhà
Để có thể kéo giá nhà xuống mức phù hợp, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA kiến nghị hàng loạt các giải pháp như: Thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên “hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở”; nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế bất động sản; kiến nghị là Chính phủ nên xem xét giảm mức thu tiền bảo vệ đất lúa tối thiểu 50% bảng giá đất; rút ngắn thời gian làm thủ tục; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt…
Bộ Xây dựng đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ 20-28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được
Bộ Xây dựng đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ 20-28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được. Cho ý kiến về việc giá nhà hiện nay còn cao so với thu nhập của người dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, giá cả trong lĩnh vực bất động sản do thị trường quyết định. Để kéo giá nhà về tầm tay người dân, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng cần tăng lượng cung cho nhà xã hội, nhà giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để tăng lượng cung nhà ở giá rẻ, Bộ này đã có đề xuất một cơ chế chính sách cho nhà ở thương mại giá rẻ với khung giá từ 20-28 triệu đồng/m2, và cho phép diện tích xây dựng là dưới 45m2.
Theo ông Hùng, với chính sách này có thể kỳ vọng sẽ tạo ra được nhiều nguồn cung với mức giá ở dạng trung bình, đáp ứng vừa mức thu nhập mà đại đa số những người lao động, công nhân viên chức có mức thu nhập trung bình ở đô thị có thể mua được.
Về nhà ở xã hội với khung giá từ 15-20 triệu đồng/ m2, Thứ trưởng cho hay đã có đầy đủ cơ chế chính sách, vấn đề là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hình thành các dự án mới để đẩy nhanh nguồn cung này.
Trong báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thị trường đang dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Bộ trưởng Xây dựng cũng thừa nhận rằng giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Theo cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Theo Tiền phong