Luật Đất đai 2024 – Lấy người dân làm trọng tâm

Sáng 15/8, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, Tạp chí Thương gia tổ chức đã tổ chức Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan”.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia cho biết, Luật đất đai 2024 đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn thể nhân dân, của các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, dưới phạm vi của các nhà hoạch định chính sách, Luật Đất đai liên quan trực tiếp đến 22 Bộ luật, luật khác. Hay có thể nói rằng, đây là bộ luật lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, người dân…

Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và có hiệu lực đồng thời từ 1/8/2024 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hơn thế, luật khi đi vào thực tế được kỳ vọng tác động tích cực, tạo “cú hích” thúc đẩy sự hồi phục của thị trường và tạo nền tảng pháp lý để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, để các đạo luật quan trọng này sớm đi vào cuộc sống và được thực thi một cách hiệu quả, yêu cầu quan trọng nhất là các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn dưới luật phải bảo đảm đầy đủ, chất lượng, chi tiết, cụ thể tránh tình trạng chồng chéo, vận dụng sai luật.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai 2024 và nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đứng ở góc độ đại diện cho nhóm đối tượng phải chịu tác động của các Luật mà Quốc hội mới thông qua là doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, với Luật Đất đai 2024, các quy định đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng “lấy người dân làm trọng tâm”, bảo vệ lợi ích tối đa cho người mua nhà.

Cụ thể, trước thực trạng các khu nhà tái định cư được xây dựng nhưng bị bỏ hoang do không phù hợp với nhu cầu của người dân, Luật Đất đai 2024 đã quy định phải bố trí tái định cư xong mới được ra quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Luật quy định, khi hết thời hạn được gia hạn (không quá 24 tháng) mà chủ đầu tư dự án vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

“Quy định này sẽ chấm dứt hiện tượng doanh nghiệp đầu cơ, tích trữ các lô đất thương mại, dịch vụ ở vị trí đắc địa để chờ tăng giá hoặc chờ xin chuyển đổi mục đích sang kinh doanh nhà ở. Tận dụng tối đa nguồn lực đất đai. Góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản”, ông Đính nhấn mạnh.

Đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013 quy định.

Đặc biệt, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức (tối đa là 3ha hoặc 2ha tùy tỉnh thành) thì phải thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt.

Ngoài ra, các quy định mới về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được sửa đổi theo hướng rõ ràng và minh bạch hơn. Nếu như trước đây, rất nhiều người mua nhà phải vất vả, thậm chí phải “xin” để được cấp giấy chứng nhận thì trong Luật Đất đai 2024, trách nhiệm này thuộc về nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận…

 

Theo Trường Giang