Người mua nhà gặp khó
Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, thị trường BĐS từ nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020 gặp khá nhiều khó khăn. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp (DN) BĐS đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn, cộng thêm ảnh hưởng từ Covid-19 có thể khiến nhiều DN mất khả năng thanh toán.
Trong đó, các DN đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu giảm, nhất là trước những dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước tác động trực tiếp đến khách hàng. Chưa kể tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường của người dân, cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng, càng làm cho thị trường khó khăn hơn. Khi dịch bệnh kéo dài, đại bộ phận người dân có xu hướng tập trung chi tiêu cho nhu yếu phẩm phục vụ đời sống và tạm dừng việc mua BĐS để ở hoặc đầu tư. Thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho thấy, thị trường BĐS tại TPHCM quý 1-2020 rất trầm lắng. Tháng 3 và nửa đầu tháng 4-2020 gần như bị đóng băng do Covid-19.
Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà – chiếm khoảng 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS.
BIDV đang rao đấu giá dự án Kenton ở huyện Nhà Bè để thu hồi nợ. Ảnh: PHAN HUY
Vợ chồng anh P. (quận 9) cho biết, năm 2019, gia đình có một tỷ đồng nên vay thêm một tỷ đồng mua căn hộ chung cư Him Lam Phú An (quận 9). Tuy nhiên, sau tết, anh chị bị giảm lương nên việc trả góp mỗi tháng gần 16 triệu đồng khá chật vật. Với lãi suất gần 12%/năm, anh chị rất mong chờ chương trình hỗ trợ lãi suất vay cho cá nhân, nhưng ngân hàng chưa có kế hoạch giảm lãi suất cho người vay mua nhà…
Kiến nghị giảm 30% – 50% lãi suất vay mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, các ngân hàng chưa xem các DN BĐS và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành, cơ quan, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN BĐS và người mua nhà, trong đó đề xuất NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020 đối với các DN BĐS và người mua nhà.
Theo ông Châu, việc Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” có thể coi là trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa. Do đó, đề nghị NHNN xây dựng Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù cho ngành BĐS. Bởi nếu hiện nay vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng thì rất khó cho ngân hàng lẫn DN. Cụ thể, Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù gồm: xem xét giảm lãi suất cho vay 30% – 50% tùy đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020) đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới; giảm phí hoạt động ngân hàng…
Bên cạnh đó, tạo điều kiện tối đa cho các DN được vay mới và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với DN được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Đồng thời, các ngân hàng xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020. Về phía người mua nhà, tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30% – 50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
Với kiến nghị trên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất giảm lãi suất cho người mua nhà để ở là hợp lý. Bởi lẽ, hầu hết người mua nhà trả góp dài hạn là công chức, nhân viên văn phòng, tiểu thương… đang có thu nhập ổn định, nhưng nay không có khả năng trả tiền ngân hàng do yếu tố khách quan. Nếu không được hỗ trợ lãi suất sẽ dẫn đến tình trạng người mua nhà phải bán lại căn hộ. Xấu hơn sẽ tạo thành làn sóng bán hàng loạt BĐS căn hộ với giá thấp giống như từng xảy ra năm 2012, ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường.
Thực tế, nhiều DN BĐS có thể tự xoay xở tìm nguồn vốn khác thông qua phát hành trái phiếu. Tổng lượng trái phiếu DN phát hành 2 tháng đầu năm nay là 19.398 tỷ đồng, kỳ hạn bình quân 4,75 năm, lãi suất bình quân là 10,07%/năm. Trong đó, các DN BĐS chiếm tới 60% tổng lượng trái phiếu phát hành.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó trị giá tồn kho BĐS khoảng 104.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel, nhà ở tái định cư xây dựng xa trung tâm.
Theo SGGP