Tại Canada, Tập đoàn LG khởi động phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Đó sẽ là sự bổ sung cho phòng thí nghiệm mới mở rộng LG Silicon Valley AI Lab ở Santa Clara (California, Mỹ). Với việc mở phòng thí nghiệm ở Bắc Mỹ, Tập đoàn LG dự định tăng cường cơ sở hạ tầng toàn cầu dành cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, bao gồm các trung tâm ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga. Nhờ vậy, họ sẽ hiện thực hóa hiệu quả hơn ước mơ sử dụng trí tuệ nhân tạo làm động lực phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, LG xúc tiến hợp tác nghiên cứu với Đại học Toronto (Canada) vốn được đánh giá cao trên thế giới về những thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học máy, đặc biệt là học sâu (deep learning).
“Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mỗi người, làm thay đổi phong cách sống, phương thức hoàn thành công việc và sử dụng thời gian rỗi. Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trong các thiết bị kết nối Internet mở đường cho các công nghệ mà trong tương lai sẽ trở thành nền tảng của các thành phố thông minh, nhà cửa, công ty… đảm bảo cung cấp những khả năng mà không ai ngờ tới” – Tiến sĩ I.P. Park – Giám đốc phụ trách công nghệ của LG, cho biết.
Park cũng khẳng định, các phòng thí nghiệm ở Bắc Mỹ và công việc hợp tác với ĐH ở Toronto đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghệ cho phép hiện thực hóa viễn cảnh đã nói ở trên.
Nhờ hợp đồng với Đại học Toronto (dự kiến kéo dài 5 năm), Tập đoàn LG sẽ mở rộng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, thực hiện chiến lược Đối tác Mở, Hạ tầng Mở và Liên kết Mở. Các nhà khoa học ĐH Toronto sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nhóm phát triển của LG tại Mỹ và Canada. Để bổ sung cho hoạt động này, Tập đoàn LG còn dự định hợp tác với các công ty khởi nghiệp ở Bắc Mỹ và đầu tư cho họ.
“Các nhà khoa học của chúng tôi liên tục thực hiện các nghiên cứu về phát triển trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, Đại học Toronto mong muốn hợp tác với công ty tiên tiến toàn cầu như LG. Sự hiện diện của các đối tác quốc tế như vậy trong hệ sinh thái sáng chế của chúng tôi sẽ mở rộng khả năng của các nhà nghiên cứu, các sinh viên và các startup” – Giáo sư Meric Gertler, Giám đốc ĐH Toronto cho biết.
Cùng quan điểm với Giáo sư Gertler, Tiến sĩ I.P. Park cho biết: “Những giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo và sử dụng phương pháp học sâu đã làm thay đổi sâu sắc cách tương tác của chúng ta với thế giới xung quanh, bởi những giải pháp này giúp chúng ta sử dụng các dữ liệu từ các hệ thống sinh trắc hay từ các hoạt động nhận biết cảm xúc, cử chỉ và tất nhiên là cả tiếng nói”.