Hiểu đầy đủ để triển khai tốt Luật đất đai 2024 (phần 6)

Sau 9 lần ban hành và sửa đổi qua các năm 1987, 1993, 1998, 2001, 2003, 2009, 2013, 2018 và 2024, Luật đất đai năm 2024, đã được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 1 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Luật 2024 hoàn thiện gồm 16 chương với 260 điều; tăng 2 chương, sửa đổi bổ sung 180 điều, bỏ 30 điều,… sẽ sớm khắc phục những tồn tại của Luật đất đai trước đó.

Bố cục Chương 5 Luật đất đai 2024

Chương 5, quy đinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bao gồm 18 Điều (từ Điều 60-77). Nội dung quy định cụ thể là: Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Kinh phí cho hoạt động quy hoạch; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thẩm quyền quyết định phê duyệt, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều, khoản chỉnh sửa, bổ sung nằm trong Chương 5

Chương 5, bổ sung Điều 60, quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm 10 nội dung: Một là, tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Hai là, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia, nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Ba là, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế -xã hội, nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bốn là, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữ quy hoạch sử dụng đất cấp trên với cấp dưới và cùng cấp. Năm là, nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất với không gian, phân vùng sử dụng đất và hệ sinh thái tự nhiên. Sáu là, sử dụng đất tiết kiệm có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường,… Bảy là, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định,… Tám là, bảo đảm sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai minh bạch. Chín là, quy hoạch sử dụng đất các cấp phải được lập đồng bộ, nhưng cấp cao hơn phải được quy hoạch trước. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch trước mà thời kỳ quy hoạch tiếp theo vẫn chưa được phê duyệt, các chỉ tiêu sử dụng đất chưa thực hiện hết vẫn được tiếp tục thực hiện. Mười là, kế hoạch sử dụng đất được lập đồng thời với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp; kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch cấp huyện, được lập đồng thời với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.    

Bổ sung Điều 61, thuộc Chương 5, quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 5 loại: Một là, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Hai là, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ba là, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; Bốn là, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; Năm là, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

Tại Điều 65, bổ sung khoản 5 như sau: Với thành phố trực thuộc trung ương, đã có quy hoạch chung được phê duyệt, theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, sẽ không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Với những thành phố cấp 2, trường hợp quy hoạch chung được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh. Địa phương đó không cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, mà căn cứ vào quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dung đất cấp tỉnh.

Trong Điều 66, Chương 5 có bổ sung khoản 4 và 5. Khoản 4 quy định những trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm các trường hợp sau: Quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Theo đó, các đơn vị hành chính này căn cứ quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương, để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Khoản 5 bổ sung, quy định những trường hợp phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Những đơn vị hành chính không nằm trong quy định của khoản 4, mà đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được phê duyệt thì phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, có cập nhật định hướng không gian sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Từ Điều 69 đến Điều 77 của Chương 5 bổ sung quy định: Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể là, quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ xác định một số chỉ tiêu quan trọng: đất trồng lúa, các loại đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh. Phân cấp việc xác định chỉ tiêu đất còn lại cho quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; lồng ghép nội dung kế hoạch sử dụng đất vào nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện.

Điều 70 của Chương 5, bổ sung quy định: Tăng cường công khai, minh bạch sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến.

Bổ sung Điều 72 Chương 5, quy định thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Đối với việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia do Quốc hội phê duyệt, theo quy định của Luật quy hoạch; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia do Chính phủ phê duyệt (Luật cũ là do Quốc hội); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Luật cũ là do Chính phủ); Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Theo: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường