Các thành viên thị trường bất động sản đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét.
Luật Đất đai hiện hành có nhiều bất cập và vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp…
“Tôi hy vọng, lần sửa đổi này sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay về đất đai, tháo gỡ được những điểm nghẽn để đưa nguồn lực đất đai vào trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của người dân”, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ bên hành lang Quốc hội với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ngay trước thời điểm dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu được lấy ý kiến ngày 1/11/2022.
Trước khi Quốc hội họp cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. HCM đã gửi tới phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán một bản kiến nghị dày cả trăm trang nói về các vấn đề cần sửa đổi của dự án luật. Thế nhưng, theo ông Phượng, dường như vẫn chưa góp ý đủ, bởi sẽ có những vấn đề mới mà Luật không thể theo kịp trong tương lai. Lần sửa đổi này cần xây dựng cho được hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định, sau này chỉ cần bổ sung, chứ không phải thay thế.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung tiếp tục suy giảm. Trong quý III/2022, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 17 dự án với 4.123 căn, số lượng dự án bằng khoảng 71% quý II/2022 và bằng khoảng 34% cùng kỳ năm 2021. Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án với 324.511 căn, số lượng dự án tương đương với quý II/2022 và bằng khoảng 163,3% cùng kỳ năm 2021.
Về giá cả, giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III cơ bản ổn định so với quý II, tức vẫn neo ở mức cao, không có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại khu vực trung tâm của các đô thị. Với mức giá này, khách hàng chỉ có thể mua căn hộ tại một số ít dự án xa trung tâm. Trong khi đó, phân khúc căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) đang là sản phẩm chủ đạo trên thị trường bất động sản.
“Khan hiếm nguồn cung và lệch pha phân khúc thị trường khiến nhiều dự án trước đây bình thường nay được đẩy lên thành dự án cao cấp. Điều này dẫn đến hệ quả giá nhà 3 năm qua tăng liên tục, đến nay thị trường khó khăn nhưng giá vẫn neo cao”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhấn mạnh.
Theo ông Châu, các doanh nghiệp mong chờ vào việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, nhất là Quốc hội lần này sẽ chốt xử lý xong những vấn đề cơ bản của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), để từ đó doanh nghiệp yên tâm hơn, thị trường cũng có cơ hội ổn định và phát triển bền vững.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp “muốn làm, nhưng không được làm” và dòng tiền bị chôn vùi vào đất.
“Gần đây, có tâm lý cán bộ rất ngại phê duyệt, bởi vì tai nạn quản lý rất dễ xảy ra, làm cho TP.HCM và Hà Nội gần như không có dự án mới. Tôi đã phỏng vấn nhiều chủ đầu tư dự án, họ mệt mỏi lắm rồi, tiền bỏ vào rất nhiều nhưng dự án cứ nằm đấy không được phê duyệt. Có những tỉnh còn thu hồi lại đất vì phát hiện ra quyết định giao đất có vấn đề”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Theo lộ trình, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) chỉ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nếu được Quốc hội kỳ họp tới thông qua.
“Nếu thông qua được các luật như kỳ vọng sẽ tạo một cú huých về mặt tâm lý, niềm tin của thị trường là vấn đề quyết định nhất để thị trường tăng trưởng trở lại. Thị trường ổn định trở lại hay vẫn đứng trước các thách thức phụ thuộc rất lớn vào công tác xây dựng luật của Quốc hội trong năm nay và năm tới”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Theo ĐTCK