Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ với phạm vi là phần lãnh thổ tỉnh Thái Bình có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.586km2 và phần không gian biển với diện tích hơn 164km2, với 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Thái Bình và 7 huyện. Việc lập quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu của hướng tiếp cận mới, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và phát triển chung của cả nước; nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội để xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển năng động và có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời phải bảo đảm tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản quy định, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hệ thống, bền vững và dài hạn, khả thi và thích ứng, tính liên tục, kế thừa và tính mở, tính thị trường, lợi ích chung và tính liên kết.
Đại biểu dự cuộc họp.
Tại buổi làm việc, đa số các đại biểu cho rằng đây là quy hoạch được chuẩn bị rất công phu, thể hiện được khát vọng phát triển của tỉnh. Các đại biểu cũng làm rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh; đề xuất bổ sung một số nội dung vào quy hoạch như: bổ sung thêm một số khu công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế, bổ sung định hướng phát triển các dự án trong tương lai…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định: Việc lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khẳng định chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian dài nên ngay từ khi thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố thành lập tổ chuyên viên nghiên cứu, phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện các nội dung quy hoạch.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo; các sở, ngành nâng cao trách nhiệm trong quá trình góp ý vào báo cáo quy hoạch; đồng thời thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư đó là trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh được xây dựng phải là quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là cơ sở pháp lý duy nhất để định hình phát triển gắn trong quy hoạch chung của quốc gia và của khu vực; đồng thời cụ thể, chi tiết đến từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng ngành nghề chính vì thế đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ rất lớn của các ngành. Yêu cầu lớn nhất của quy hoạch đặt ra đối với tất cả các địa phương là phải chỉ ra được tồn tại, hạn chế hiện nay để khắc phục; phân tích, đánh giá được lợi thế riêng có, tiềm năng, thế mạnh riêng biệt để tìm ra định hướng phát triển phù hợp, phải có đột phá phát triển trên cơ sở đó đưa địa phương phát triển lên một tầm cao mới và với Thái Bình những yêu cầu này lại càng phải cao hơn nữa.
Bên cạnh sự vào cuộc của đơn vị tư vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương, đặc biệt là thủ trưởng các sở, ngành phải đặt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh lên hàng đầu, phải nâng cao trách nhiệm, dành tâm huyết đóng góp những ý kiến, nội dung chất lượng, thiết thực, có tính thực tiễn cao, thể hiện tầm nhìn, tư duy đột phá, chiến lược của lĩnh vực, ngành mình quản lý trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh nhưng phải bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Trên từng lĩnh vực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành phải xuất phát từ thực trạng để đề ra các giải pháp khắc phục; đồng thời, phải mạnh mẽ đề xuất những định hướng phát triển phù hợp, có đột phá đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đơn vị tư vấn cần đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực cụ thể để lập quy hoạch chi tiết và chất lượng dựa trên các nội dung, ý kiến đóng góp của các sở ngành, các địa phương; lưu ý một số nội dung trong quy hoạch có liên quan đến phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế biển, cảng biển để Thái Bình phát triển nhanh, vươn tầm, phát huy tốt lợi thế sẵn có của tỉnh; đồng thời, tiếp thu đóng góp của các sở, ngành, địa phương trên cơ sở đó hoàn thiện quy hoạch tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới.
Minh Hương
Ảnh: Thành Tâm