Mặc dù giá thép, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh những ngày gần đây, nhưng với các doanh nghiệp ngành xây dựng, “cơn bão giá” vẫn chưa qua.
Áp lực chi phí đầu vào tăng cao đè nặng nhà thầu. Ảnh: Thành Nguyễn
“Chúng tôi hết hơi rồi!”
Đó là lời cảm thán của ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta khi chia sẻ về những khó khăn mà ngành xây dựng đang phải đối mặt.
Ông Thành cho biết, giá thép dù có giảm, nhưng giá các loại nguyên vật liệu xây dựng khác vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài khiến những nhà thầu xây dựng như Delta gặp vô vàn khó khăn, mà chưa tìm ra giải pháp để vượt qua tình cảnh này.
“Doanh nghiệp nhà thầu hết hơi rồi, tiền thì không có. Ngân hàng siết cho vay nên chủ đầu tư cũng không có tiền để tạm ứng trước. Các công trường đang đứng lặng cả. Chúng tôi không làm được gì vì bây giờ mọi thứ tắc hết cả rồi”, ông Thành nói.
Thực tế, đầu tuần qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép lần thứ 8 liên tiếp công bố giảm giá từ đầu năm tới nay, đưa giá thép về quanh vùng 16.000 đồng/kg, phần nào giảm áp lực cho các doanh nghiệp xây dựng, nhưng theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong cảnh “kiến bò chảo nóng”, cố gắng từng ngày để vượt qua “cơn bão giá”.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho hay, trong quý II/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá xăng dầu tăng 54,92% làm CPI tăng 1,98 điểm phần trăm. Giá gas trong nước cũng biến động theo thế giới, bình quân quý II tăng 30,99% và góp phần làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm. Tương tự, giá vật liệu xây dựng tăng 7,81% do giá xi măng, sắt, thép, cát sỏi… đi lên, khiến CPI tăng 0,16 điểm phần trăm.
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP.HCM, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng đã tác động lớn đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Sở có nhận được các văn bản của một số doanh nghiệp đều niêm yết giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Mới đây, Sở Xây dựng đã yêu cầu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng báo cáo tình hình giá một số vật liệu chính từ tháng 12/2020 đến nay, nguyên nhân thay đổi giá, dự báo giá trong thời gian tới (đến tháng 12/2022 và đến năm 2023)…, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ ổn định giá sản phẩm do đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Còn theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cũng như các ban quản lý dự án, từ quý IV/2020 đến quý I/2022, khi ký hợp đồng triển khai một số công trình, dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn, các nhà thầu đã vấp phải thách thức giá các loại vật liệu, nhiên liệu tăng mạnh: Đất đắp nền đường tăng 30-40%; cát tăng 25%; đá tăng 25-30%; nhựa đường tăng 15-20%; xi-măng tăng 20-25%; thép tăng 30-40% (một số thời điểm tăng hơn 80%); dầu diesel tăng 30-50% (một số thời điểm tăng 80-90%)… Thực trạng này khiến giá thành xây dựng của các gói thầu xây lắp tăng 12-18% (sử dụng mức giá nhiên liệu, vật liệu tại quý II/2022 cho khối lượng thi công còn lại).
Nhiều dự án đang thiếu cát xây dựng. Ảnh: Thành Nguyễn
Khó đủ đường
Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings cho biết, doanh nghiệp chịu nhiều tác động từ việc giá vật tư tăng cao.
“Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong mảng xây lắp nên việc giá các sản phẩm bê tông, cốt pha, cốt thép… liên tục tăng đã ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch kinh doanh của đơn vị. Giá các loại nguyên vật liệu đều tăng khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phúc nói, đồng thời chia sẻ thêm, không chỉ giá nguyên vật liệu, việc giá nhân công tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay cũng tạo ra áp lực lớn.
Chia sẻ thêm về yếu tố này, đại diện một doanh nghiệp xây dựng lớn ở Hà Nội cho hay, giá nhân công hiện cao hơn khoảng 2 lần so với bảng giá niêm yết của các sở xây dựng. Cụ thể, trước dịch, đơn giá công nhật là 250.000 đồng/ngày, thì nay tăng lên 450.000 đồng/ngày mà vẫn khó tìm người.
“Nguồn cung lao động trong lĩnh vực xây lắp ngày một khan hiếm do người lao động ngại dịch chuyển hơn sau Covid-19, chất lượng lao động cũng giảm. Đặc biệt, việc một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn được triển khai trên khắp cả nước đã thu hút một lượng lớn kỹ sư, công nhân… càng khiến những doanh nghiệp như Phục Hưng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn lao động. Chưa kể, việc giá xăng dầu dù giảm nhưng vẫn ở mức cao so với trước dịch, cùng với việc kiểm soát chặt tải trọng khiến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu cũng tăng cao, tạo thêm gánh nặng cho nhà thầu”, ông Phúc thông tin.
Đánh giá tình hình thị trường nói chung và các nhà thầu xây dựng nói riêng trong 2 quý cuối năm 2022, ông Phúc đưa ra đánh giá không mấy lạc quan khi cho rằng, giá nguyên vật liệu xây dựng nếu giảm được là điều tốt, nhưng chi phí nhân công khả năng cao vẫn sẽ tăng bởi lương tối thiểu vùng tăng, trong khi hợp đồng đã ký kết từ trước đó, đặc biệt là các hợp đồng đã chốt giá rõ ràng, nhà thầu khó có thể thay đổi.
“Từ nay đến cuối năm 2022, nhìn chung thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, cung tiền ra ngoài – nhất là với lĩnh vực bất động sản, tiếp tục bị thắt chặt, do đó các doanh nghiệp nhà thầu sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động”, ông Phúc nhấn mạnh.
Liên quan tới nguồn cung nguyên vật liệu, ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) thông tin, các địa phương ở phía Nam gặp khó khăn hơn so với phía Bắc bởi số lượng các mỏ đá, mỏ đất… không nhiều. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu còn đến từ việc nhiều địa phương giữ lại các mỏ, chứ chưa mở cho các dự án liên tỉnh.
“Việc mở các mỏ liên quan nhiều đến chính sách địa phương, cùng với đó là các vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, vì các mỏ thường không lộ thiên, có những mỏ ở sâu trong rừng, trong núi, hoặc thuộc khu vực đất rừng phòng hộ, vượt ngoài tầm quyết định của các địa phương. Đây cũng là một nút thắt cần được tháo gỡ”, ông Duy nói.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng tại Bình Dương cũng cho hay, một trong những vướng mắc lớn hiện nay đó là việc quy hoạch các mỏ nguyên liệu không gắn được với các dự án đầu tư, nhiều trường hợp là một phần tách rời, khiến đa phần dự án rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Theo TNCK