Từ đầu năm đến nay, Cục thuế Hà Nội liên tục đăng công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Ðặc biệt, danh sách này có nhiều tên tuổi doanh nghiệp bất động sản lớn.Tổng số đơn vị công khai nợ thuế đợt này của Cục thuế TP Hà Nội là 208 đơn vị với số nợ khoảng 300 tỷ đồng tính đến ngày 31/7/2020.
Dự án 69 Vũ Trọng Phụng của Long Giang Land đứng đầu danh sách nợ thuế
Bêu tên
Theo Cục thuế TP Hà Nội, có 141 doanh nghiệp (DN) nợ gần 82 tỷ đồng thuế, phí, tiền chậm nộp tính đến ngày 31/7/2020. Đứng đầu là Cty CP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land). Doanh nghiệp bất động sản này nợ hơn 37 tỷ đồng tiền thuế.Từ ngày 1/8 đến 14/9/2020, công ty mới nộp hơn 103 triệu đồng tiền nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Long Giang Land là chủ đầu tư hai dự án bất động sản cao cấp Rivera Park Sài Gòn ở số 7/28 đường Thành Thái, Quận 10, TPHCM và Rivera Park Hà Nội ở số 69 Vũ Trọng Phụng, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trên website, DN này cũng giới thiệu một loạt dự án sắp được triển khai như: Rivera Park Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy); Rivera Premier Hà Nội (Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên); Rivera Park Mũi Né (TP Phan Thiết); Rivera Park Cần Thơ (khu dân cư Cái Khê, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)…
Mới đây, Long Giang Land công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét với những biến động khá lớn về lợi nhuận so với báo cáo tự lập công bố trước đó. Cụ thể, doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2020 đạt 73,8 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế âm 58,2 tỷ đồng.
Tại danh sách công khai của Cục Thuế TP Hà Nội vừa qua, có 64 đơn vị nợ gần 192 tỷ đồng tiền thuế, phí tính đến ngày 31/7. Đứng đầu danh sách là Cty CP Cầu 12 – Cienco1 với số nợ hơn 77 tỷ đồng. Ngoài ra, tại danh sách này cũng xuất hiện nhiều tên tuổi DN bất động sản xây dựng như: Cty CP Vinaconex (22, 6 tỷ đồng); Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (2,3 tỷ đồng); Cty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68… Một DN địa ốc khác là Cty CP Tập đoàn Bất động sản Hoàng Gia cũng bị nêu tên với số tiền chậm nộp hơn 16,3 tỷ đồng.
Tổng số đơn vị công khai nợ thuế đợt này của Cục thuế TP. Hà Nội là 208 đơn vị với số nợ khoảng 300 tỷ đồng tính đến ngày 31/7/2020.
Có đòi được tiền?
Lý giải nguyên nhân nợ thuế của DN bất động sản tăng cao, một số chuyên gia cho rằng, DN kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Nợ thuế thì không phải thế chấp, DN có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại DN, cương quyết cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp lợi dụng đại dịch COVID-19 để cố tình chây ỳ, nợ thuế”, lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội
“Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các DN chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, năm nay khi COVID-19 bùng phát, Cục Thuế TP Hà Nội đã tập trung rà soát, phân loại những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc rà soát, phân loại này không phải chỉ là tìm cách thu hồi nợ đọng, mà quan trọng hơn là tìm các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, vì khi DN ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, phá sản thì cũng không còn gì để thu. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã áp dụng biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ.
Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho hay, giữa tháng 9/2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Bí thư Vương Đình Huệ về giải pháp đảm bảo thu, chi NSNN năm 2020. Theo đó, song song với việc tổ chức đối thoại với các DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đẩy mạnh “chống xói mòn” cơ sở thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; đẩy mạnh đôn đốc thu, giảm nợ đọng thuế, chống gian lận thuế.
Theo Tiền phong