Tiếp theo chương trình của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 21/3/2016, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đọc Tờ trình báo cáo Quốc hội về việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Theo đó, mục tiêu của việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã đọc Tờ trình báo cáo Quốc hội về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia (ảnh: Báo TN&MT)
Tiếp theo chương trình của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 21/3/2016, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đọc Tờ trình báo cáo Quốc hội về việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Theo đó, mục tiêu của việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc Hội khóa 13 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, công tác quản lý đất đai từng bước đi vào nề nếp, sử dụng đất đai hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng còn có những hạn chế và phát sinh các vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương lập phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Theo quy định tại Điều 46 Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Một số chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội đã có sự điều chỉnh, bổ sung tại Đại hội XII của Đảng, đặt ra yêu cầu cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia được lập theo quy định của Luật Đất đai 2003, có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013. Do đó, Luật Đất đai 2013 (khoản 1 Điều 51) đã quy định: đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều tra bổ sung để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định của Luật này khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016-2020).
Đảm bảo hợp lý quỹ đất đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Quan điểm xuyên suốt của Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia là việc tính toán, phân bổ nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, địa phương được định hướng từ trên xuống dưới, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt; ưu tiên bố trí quỹ đất cho những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa lớn. Đảm bảo hợp lý quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng ven biển cho các mục đích phi nông nghiệp nhằm giảm áp lực sử dụng vào đất canh tác tại vùng đồng bằng. Đảm bảo đủ quỹ đất để thiết lập, duy trì và quản lý hành lang bảo vệ các công trình thuộc hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lực, nguồn nước, di tích lịch sử – văn hóa,… theo quy định của pháp luật hiện hành; Quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển đảm bảo tính kết nối liên vùng, phát huy được thế mạnh của khu vực ven biển, khai thác hợp lý quỹ đất ven biển nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng không gian biển và bờ biển lâu dài cho cộng đồng và đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh. Theo phương án điều chỉnh, đến năm 2020 diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 4.780,24 nghìn ha, trong đó: Đất khu công nghiệp là 191,42 nghìn; Đất giao thông là 779,10 nghìn ha; đất thủy lợi là 436,54 nghìn ha; đất cơ sở văn hoá 27,82 nghìn ha;đất cơ sở y tế 10,98 nghìn ha; đất cơ sở giáo dục – đào tạo 68,48 nghìn ha; đất cơ sở thể dục – thể thao 46,81 nghìn ha
Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước đến năm 2020 còn 3.760 nghìn ha
Theo phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép được điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước đến năm 2020 còn 3.760 nghìn ha, giảm 52 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt, với các lý do sau:
Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa. Đồng thời với tác động của yếu tố thị trường, giá cả không ổn định, chi phí sản xuất lúa ngày càng tăng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất trồng lúa thấp hơn so với một số cây trồng khác như: thanh long, hoa, rau màu. Đồng thời, việc phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng cần phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa.
Mặt khác, dự báo trong những năm tới, năng suất lúa sẽ được tăng lên do áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khi nhu cầu lương thực về cơ bản đã tới ngưỡng ổn định, cụ thể: theo tính toán, dân số nước ta vào năm 2020 khoảng 100 triệu người; theo Bộ Y tế, nhu cầu năng lượng trung bình của người Việt Nam là 2.400 Kcal/người/ngày, trong đó nguồn năng lượng do gạo và các chất bột khác chiếm khoảng 55-60%, tương đương khoảng 110 kg gạo/người/năm (tương đương khoảng 16 triệu tấn thóc/năm cho dân số cả nước) và các nhu cầu khác như làm giống, dành cho chăn nuôi, chế biến sang các sản phẩm khác, tổng số tương đương 13-14 triệu tấn/năm; cộng với mức dự trữ lương thực của quốc gia tối thiểu bằng 17% tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước (theo khuyến cáo của FAO), tương đương 5-6 triệu tấn thóc/năm. Như vậy tổng nhu cầu về thóc của cả nước năm 2020 cần khoảng 35-36 triệu tấn. Với diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 còn 3.760 nghìn ha, hệ số sử dụng đất gần 2 lần thì diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7 triệu ha/năm; với năng suất dự kiến đạt 60 – 62 tạ/ha thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm. Như vậy, không những đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn dành cho xuất khẩu khoảng 5 – 6 triệu tấn.
Cùng với dề xuất giảm diện tích đất trồng lúa nhằm phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giải quyết vấn đề di cư tự do; đồng thời bố trí cây trồng một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua cho chuyển 1.100 nghìn ha diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất.
Xác định 6 nhóm giải pháp
Để quy hoạch sử dụng đất đươc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ đã xác định 06 nhóm giải pháp, gồm: (1) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, như: Chính sách về tài chính đất đai; chính sách đất đai đối với nông nghiệp, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; phát triển đô thị, hạ tầng.(2) Nhóm giải pháp về sử dụng đất, như: Sử dụng đất trồng lúa; đất lâm nghiệp; đất khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; đất đô thị. (3) Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, như: Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.(4) Nhóm giải pháp về quản lý, giám sát, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, như: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các vi phạm trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (5) Nhóm giải pháp về đào tạo, như: Đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (6) Nhóm giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cải tạo và bảo vệ đất, như: Khuyến khích khai hoang, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển trồng rừng ngập mặn ven biển.
Điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phù hợp
Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) cấp quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, diện tích điều chỉnh giảm 52,04 nghìn héc ta đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn héc ta là diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác nhất là chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm. Đối với diện tích 400 nghìn héc ta đất lúa chuyển sang trồng các loại cây hàng năm chủ yếu như sau: ngô khoảng 150 nghìn héc ta, đậu tương, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 80 nghìn héc ta, trồng rau, hoa, cây cảnh khoảng 110 nghìn héc ta và kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 50 nghìn héc ta…Phần diện tích chuyển đổi phần lớn là diện tích thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.
Với diện tích đất trồng lúa còn lại cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích gieo trồng lúa dự kiến đạt trên 7 triệu héc ta, năng suất lúa bình quân hàng năm khoảng 60 tạ/héc ta, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, với sản lượng này sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai. Với những lý do nêu trên, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đối với đất rừng phòng hộ Chính phủ đề nghị điều chỉnh diện tích đất rừng phòng hộ là 4.618,44 nghìn héc ta, giảm 1.223,25 nghìn héc ta so với Nghị quyết của Quốc hội, trong đó, một phần chuyển sang rừng đặc dụng và chủ yếu chuyển sang rừng sản xuất 1.100 nghìn héc ta. Tán thành với việc chuyển đổi một phần diện tích đất rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng, bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị việc chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất Chính phủ cần tính toán trên cơ sở tiêu chí để xác định nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, khu vực cần giữ rừng phòng hộ, bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng điều chỉnh quy hoạch đất nuôi trông thủy sản là 767,96 nghìn héc ta, giảm 22,04 nghìn héc ta so với Nghị quyết của Quốc hội theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất điều chỉnh tăng diện tích đất rừng đặc dụng năm 2020 là 2.358,87 nghìn héc ta, tăng 87,67 nghìn héc ta so với Nghị quyết Quốc hội do chủ yếu chuyển từ đất rừng phòng hộ sang góp phần bảo đảm sự đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời bảo đảm mục đích phòng hộ. Tán thành với việc điều chỉnh quy hoạch đất phát triển hạ tầng là 1.561,39 nghìn héc ta, giảm 17,04 nghìn héc ta so với Nghị quyết của Quốc hội.Tán thành với điều chỉnh diện tích đất quốc phòng là 340,96 nghìn héc ta, giảm 47,07 nghìn héc ta so với Nghị quyết của Quốc hội, đất an ninh là 71,14 nghìn héc ta, giảm 10,70 nghìn héc ta so với Nghị quyết của Quốc hội.