Trong bức tranh ảm đạm thì điểm sáng nổi lên chính là BĐS khu công nghiệp.
Trong khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn thu hút nhà đầu tư.
923 – đó là con số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) buộc phải tuyên bố giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng của năm 2020.
Con số nói trên được Tổng cục Thống kê đưa ra đi kèm với nhận định: BĐS là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của ngành này chính là BĐS khu công nghiệp.
Nhìn nhận về thị trường BĐS trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, ngay từ sau Tết, bức tranh BĐS đã bộc lộ rõ những gam màu trầm. Và dịch bệnh Covid-19 chính là đòn giáng mạnh vào bức tranh ảm đạm đó.
“Nếu như tháng 4/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục thì sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 7 khiến cho các dự án đã phải tạm ngưng để nghe ngóng và xem xét” – theo ông Đính.
Quả thực, khảo sát tình hình thị trường BĐS cho thấy, hầu như tất cả các phân khúc trên thị trường đều không có giao dịch trong suốt gần 9 tháng qua. Đáng chú ý, phân khúc BĐS bán lẻ gần như bất động do những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội được cho là điểm vàng về kinh doanh, mua sắm thì trong gần một năm qua, các mặt bằng cho thuê đều rơi vào tình trạng ế khách.
Anh Nguyễn Lê Thanh, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, trước thời gian giãn cách xã hội, mặt bằng đã bị người thuê trả lại. Mức giá chào thuê cửa hàng ở thời điểm hiện tại chỉ bằng 40% so với năm ngoái nhưng suốt gần 3 tháng qua vẫn đang ở tình trạng “tìm người thuê mặt bằng”.
Như vậy, cùng chung số phận với phân khúc BĐS du lịch – nghỉ dưỡng, BĐS mặt bằng bán lẻ cũng đang trong cảnh khủng hoảng. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa tìm khách thuê nhiều tháng nay nhưng vẫn trong cảnh ế ẩm. Không chỉ các DN, hộ kinh doanh gặp khó, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ cũng đang phải thu hẹp quy mô do doanh thu giảm nặng nề. Parkson, Big C, Uniqlo… là những ví dụ điển hình.
Đặc biệt, mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng Uniqlo đã phải thu hẹp hoạt động vì tác động của đại dịch. Giới chuyên gia trong ngành dự báo, nếu Covid-19 kéo dài lâu hơn, khả năng cao nhiều thương hiệu bán lẻ sẽ rơi vào tình trạng phá sản, dẫn tới việc bỏ trống mặt bằng kinh doanh.
Tuy nhiên, như đã nói, trong bức tranh ảm đạm đó thì điểm sáng nổi lên chính là BĐS khu công nghiệp.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho hay, BĐS khu công nghiệp vẫn thu hút khách thuê, giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covd-19 nhưng việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp lại có sự bứt phá rõ nét do nhiều chủ đầu tư đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với những lợi thế về nhân công cũng như sự khống chế được đại dịch Covid-19 tốt hơn hẳn so với các quốc gia khác, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn hơn cả đối với các nhà đầu tư.
Một số liệu đáng mừng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, đó là từ đầu năm đến nay, Hà Nội và TPHCM là những địa bàn đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Riêng tại Hà Nội, trong tháng 8/2020, có thêm 45 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30 triệu USD, 15 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký đạt 8,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 30 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký của những dự án FDI cấp phép mới và bổ sung vốn đạt gần 1,67 tỷ USD…
Theo Đại đoàn kết