Sau cơn “sốt đất” chưa từng có, “cò đất” nhanh chóng tháo chạy, trả lại sự bình yên vốn có của một vùng quê, nhưng để lại cả hàng dài những hệ lụy.
Rao bán đất bằng loa kẹo kéo
“250 triệu, 250 triệu thưa quý vị. Chỉ với 250 triệu trên mét ngang sẽ sở hữu 10 m mặt tiền đường nhựa…” ; “10 m mặt tiền đường nhựa, tổng sản phẩm của chúng tôi là 3 tỷ. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của quý vị…”. Là phóng viên theo dõi thị trường địa ốc đã lâu, từng chứng kiến không ít cơn sốt đất, nhưng rao bán đất theo kiểu mang cả loa kẹo kéo ra để mời chào như chợ trời thì lần đầu tiên, chúng tôi được mục sở thị ở Bình Phước.
Ông Lê Thọ, một nhà đầu tư đất nền kỳ cựu cho rằng, rất nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng có thể làm giàu nhanh chóng từ bất động sản. Họ không hề lường trước rủi ro, không hề tìm hiểu kỹ các dự án nhưng vẫn liều lĩnh đi vay mượn khắp nơi, thậm chí là cầm cố giấy tờ nhà đất của gia đình để vay tiền đầu tư. “Một khi vướng phải đất quy hoạch hoặc gặp phải tình trạng đầu cơ thổi giá thì không ít người phải nếm trái đắng vì lỗ đậm”, ông Thọ nói.
Ngay tại ngã 6 trước Khu du lịch thác số 4 (nằm trên địa bàn 2 xã Tân Lợi và An Khương của huyện Hớn Quản, Bình Phước), hàng dài những chiếc ô tô mang biển số của TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận nối đuôi nhau đến xem đất. Đây là nơi đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Phước đi khảo sát khu vực sân bay Téc-Ních và các “cò đất” trong và ngoài tỉnh đang lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần.
Sống ở vùng đất nắng gió này hơn nửa đời người, bà Phạm Thị Huệ chưa bao giờ thấy cảnh tượng này, cũng chưa bao giờ thấy giá đất bị đẩy lên cao chóng mặt như vậy. Bà cho biết, tuần trước, xe đến xã An Khương “đông như trẩy hội”, Công an huyện Hớn Quản phải có mặt để phân luồng.
Giá của mỗi vị trí đất và của mỗi cò đất khác nhau, nhưng chung một điểm là tăng gấp nhiều lần so với trước Tết. Cò đất cầm cả tập photo sổ hồng đứng bên đường rao bán đất như bán rau. Người mua đất thì chạy loạn tìm những lô ưng ý và rẻ nhất để đặt cọc, không ít người bị bỏ cọc liên tục do có khách sẵn sàng trả giá cao hơn và đặt cọc với số tiền lớn hơn.
Gần trưa, sau khi lái hai vòng xe từ xã An Khương qua xã Tấn Lợi, chúng tôi dừng lại tại một quán cafe gần trung tâm xã An Khương. Ngồi một lúc thì một người đàn ông từ bàn bên cạnh quay qua bắt chuyện và mời qua bàn bên, nơi có vài người khác đang ngồi để tiếp chuyện và giới thiệu những miếng đất họ đang “nắm” trong tay.
Những người này cho biết, trước khi có thông tin về việc mở rộng sân bay Téc-Ních, đất mặt đường ở đây chỉ hơn 10 triệu đồng/mét ngang. Song đến nay giá đất đã bị đẩy lên cao gấp 15 – 20 lần, lên đến 100 – 300 triệu đồng/mét ngang. “Em định đầu tư bao nhiêu tiền, lướt hay để lâu? Giờ đất ở đây khó kiếm, giá cũng cao lắm rồi, nhưng nếu em cần thì vẫn tìm được, đất bọn anh vẫn có”, người đàn ông trung niên tự nhận là môi giới lâu năm ở Bình Phước nói.
Ông này giới thiệu một lô đất cách đường lớn 300 m, rộng hơn 500 m2 với giá 180 triệu đồng một mét ngang, tương đương khoảng 2,5 tỷ đồng. “Nếu chỉ lướt thì em cũng có thể ký gửi lại chỗ anh và ra mức giá mong muốn, khi nào gặp khách ưng để mua, thì em cho anh chút tiền uống cafe”, ông nói.
Chỉ là cuộc chơi của “cò đất”
Trở lại nơi đây sau 3 ngày, cơn “sốt” đất đã nguội dần sau những động thái quyết liệt của chính quyền địa phương. “Nếu xuống đây chỉ 3 ngày trước thôi thì đông vui lắm luôn, như đi chợ bán cá vậy”, chủ quán nhớ lại cảnh tượng cách đó mấy ngày. Ông này cho biết, một lô đất có 3 – 4 giao dịch trong một ngày là chuyện bình thường và chuyện một miếng đất đổi đến 3 – 4 chủ trong một ngày cũng có.
Giờ đây, chỉ còn lác đác vài nhóm môi giới cho các mảnh đất đã được phân lô kẻ vẽ, những đoàn khách ngồi ô tô nối nhau từ tỉnh khác đến hỏi mua đất đã “tháo chạy”. Được biết, ngay khi phát hiện tình trạng cò đất từ các tỉnh đổ về khu vực xã An Khương, xã Tân Lợi để môi giới mua bán đất, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế, lãnh đạo huyện Hớn Quản đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi tụ tập đông người không có tổ chức.
Việc đẩy giá lên cao, lôi kéo người dân bán đất tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, nhưng hệ quả nặng nề hơn là đồng bào dân tộc thiểu số bị lôi kéo, xúi giục bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo.
Một lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai xã An Khương cho biết, hiện chưa thể thống kê được các giao dịch, bởi nếu có mua bán thật thì sau 30 ngày các bên ra công chứng mới biết được. Tuy nhiên, theo ghi nhận của vị này, giá đất tăng và các giao dịch đều do cò thổi lên, còn thực tế có rất ít giao dịch thật, nếu có thì chỉ là đặt cọc rồi bẻ cọc qua lại, gây thiệt hại cho những người mua kém hiểu biết, chỉ cò đất hưởng lợi.
Chuyện xảy ra ở huyện Hớn Quản đúng như kịch bản xảy ra một năm trước ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đầu tháng 2 năm ngoái, thông tin một tập đoàn bất động sản lớn trong nước khảo sát vị trí làm dự án tại xã Bình Ba đã thu hút sự tập trung đông đúc của nhà đầu tư từ TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc.
Những cơn sốt đất kiểu này thường do một nhóm “cò đất” tạo nên. Họ gom đất trước, sau đó cho người đi mua đất của chính mình để tạo thanh khoản ảo và đẩy giá lên nhằm lôi kéo các nhà đầu tư khác. Khi có nhiều nhà đầu tư nhập cuộc và giá được đẩy lên mức cao như kỳ vọng, họ bán hết ra và tháo chạy. Các nhà đầu tư đến sau sẽ lâm vào tình cảnh “ôm bom”, phải “ngậm bồ hòn” để trả nợ.
Theo Báo đầu tư