Covid-19 gây ra cuộc giảm giá nhà lớn nhất lịch sử Trung Quốc, tại sao ở Việt Nam giá nhà vẫn chưa giảm?

DCIM100MEDIADJI_0316.JPG

Covid-19 gây ra cuộc giảm giá nhà lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Cụ thế, hồi giữa tháng 2 vừa qua khi dịch Covid bùng phát tại Trung Quốc, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 3 Trung Quốc đã công bố một chiến lược giảm giá nhà lớn nhất từ trước đến nay, giảm 25% tại 811 dự án doanh nghiệp này đang bán hàng. Đây là đợt giảm giá lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, dịch Covid xuất hiện từ tháng 1/2020 đã nhanh chóng khiến thị trường BĐS chao đảo. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã khiến các sản phẩm như condotel chết lâm sàng. Cùng với đó, BĐS cho thuê cũng vắng khách khiến các doanh nghiệp phải ồ ạt cắt giảm giá thuê hỗ trợ khách hàng. BĐS nhà ở vốn ít ảnh hưởng thì hiện các dự án chuẩn bị ra hàng đã dừng. Nhiều người muốn mua nhà đang phải nghĩ lại vì lo lắng tương lai trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Giữa bối cảnh người mua giảm mạnh nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm. Thậm chí, một số dự án mới ra mắt thời gian vừa qua vẫn xác định mức giá khá cao so với thị trường. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này Bà Nguyễn Như Ý – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Ana Homes cho biết có 4 lý do liên quan đến vấn đề này.

Thứ nhất, hiện nay trên thị trường khá khan hiếm nguồn cung. Từ năm 2019, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục cấp phép các dự án mới. Bên cạnh đó, vừa qua cơ quan quản lý ban hành nhiều văn bản yêu cầu rà soát lại những dự án sử dụng đất, có liên quan đến đất nhà nước khiến các dự án phải dừng lại. Từ đó, tạo ra nút thắt khiến nguồn cung bất động sản mới ngày càng hạn hẹp. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp hiện không còn hàng để bán.

Thứ hai, trên thị trường hiện nhiều dự án chưa đủ điều kiện bán hàng theo nghi định 99 (dự án phải xong hạ tầng, xong móng, phải có bảo lãnh ngân hàng). Chính vì vậy nhiều chủ đầu tư đang huy động vốn dưới dạng hợp đồng vay vốn, quyền mua hoặc ký quỹ. Với những dạng thế này chưa hình thành sản phẩm thì chưa đưa ra được những đợt giảm giá bán trực tiếp. Chủ đầu tư chỉ có thể âm thầm giảm giá qua các chính sách bán hàng như tăng hỗ trợ tài chính. Ví dụ nếu trước đây không ân hạn nợ gốc thì nay có chính sách vay lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc. tăng hỗ trợ lãi suất từ 6 tháng lên 1 năm hay 2 năm….

Thứ ba, đối với những dự án đã đủ điều kiện bán hàng chủ yếu là nguồn cung sản phẩm cũ từ 1-2 năm trước, số hàng này hiện chủ yếu đang nằm trong danh mục hàng tồn kho. Chính vì thế, doanh nghiệp không đưa ra chính sách chiết khấu trực tiếp đối với sản phẩm này để tránh ảnh hưởng đến doanh thu cũng như các chỉ tiêu về tài chính.

Đối với hàng tồn kho, hiện nay thay vì giảm giá ở thời điểm thanh khoản hiện tại không cao, nhiều doanh nghiệp cũng chọn phương án mang đi thế chấp tài sản để đảm bảo dòng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn của thị trường.

Thứ tư, hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp hỗ trợ tích cực. Và có những biện pháp để kiềm chế dịch bệnh nhằm đảm bảo giữ ổn định cho nền kinh tế. Đồng thời, việc doanh nghiệp BĐS “nổ súng” cho chiến lược giảm giá bán sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến uy tín, góc nhìn của thị trường đối với doanh nghiệp.

“Có thể nói đây là 4 nguyên nhân chính khiến chúng ta chưa thấy rõ được sự giảm giá của các sản phẩm bất động sản ở thời điểm hiện tại. Tôi cho rằng, mặc dù hiện tại dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến thị trường tuy nhiên các doanh nghiệp BĐS vẫn có cái nhìn rất lạc quan về triển vọng của thị trường, sức bật của thị trường khi dịch bệnh qua đi”, bà Như Ý nhấn mạnh.

Theo Tri thức trẻ