Trên cả nước, cơn sốt đất ở nhiều địa phương đã hạ nhiệt, trong khi thanh khoản chững lại, tuy nhiên giá nhà cuối năm 2022 diễn biến như thế nào vẫn là một ẩn số.
Giá nhà đất cuối năm 2022 có hạ nhiệt? (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính (Hà Nội), giá bất động sản cuối năm sẽ diễn ra theo hai chiều hướng. Thứ nhất, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực lãi suất sẽ phải cắt lỗ, khi đó giá sẽ giảm. Nhưng bộ phận này chỉ là số ít.
Ở hướng thứ hai, do những chính sách quản lý bất động sản hiện nay đang được làm chặt, khiến lượng hàng giảm đáng kể, phân khúc trung cấp, giá rẻ gần như không có, nên việc tăng giá của thị trường bất động sản vẫn có thể diễn ra vào dịp cuối năm.
Ông Thịnh phân tích, từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản đã phát triển quá “nóng”, buộc cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động đầu cơ, có biện pháp để chống thổi giá.
“Giá bất động sản đã tăng cao, cách xa thu nhập trung bình của người lao động. Nên việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để giá nhà phù hợp với thu nhập, mức sống hiện nay của người Việt Nam là quan trọng và hợp lý”, ông Thịnh nhận xét.
Nêu nhận định về diễn biến bất động sản cuối năm 2022 trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của VNDirect Research cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan chức năng thắt chặt tín dụng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi việc mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng đưa ra nhận định, trước những động thái kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản từ tín dụng và trái phiếu, thị trường đang bắt đầu chậm lại, giao dịch các sản phẩm cao cấp ít dần. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân lớn đang có xu hướng cơ cấu lại sản phẩm, rút bớt đầu tư ở tỉnh, giữ các sản phẩm gần trung tâm để đảm bảo tính thanh khoản trong tương lai.
Do đó, dự báo trong quý III/2022, thị trường sẽ bình lặng, giá không tăng, giao dịch chậm. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm lại tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường thì khả năng thanh khoản sản phẩm bất động sản vẫn có thể duy trì ở mức ổn định.
Chuyên gia này cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm, phân khúc bất động sản “dễ thở” nhất là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ. Thậm chí, phân khúc này vẫn giao dịch tốt và sẽ có giá hấp dẫn hơn các căn hộ sơ cấp (mua từ chủ đầu tư). Đồng thời, những sản phẩm nhà phố trong trung tâm ở những thành phố lớn vẫn hấp dẫn, còn phân khúc đất nền của các tỉnh, thành gần Hà Nội, TP.HCM có mức giá hợp lý sẽ không lo “bị ế hàng”.
Sốt đất rập rình tăng?
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam – cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn, đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Trên thực tế, giá đất nền vùng ven một số nơi ở Hà Nội đang tăng.
Ông Đính cho biết, nguyên nhân xuất hiện các cơn sốt đất, thổi giá một phần là do chủ đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận quá cao nên trực tiếp đẩy giá bán. Mặc khác, bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể, đầu tư công trong năm 2022 được triển khai dồn dập, nhiều dự án mới được hình thành, các dự án đang dang dở được đẩy nhanh tiến độ đã tạo tín hiệu khởi sắc cho thị trường song cũng kéo giá bất động sản lân cận “ăn theo”.
Tuy nhiên, ông Đính thừa nhận, việc hàng loạt địa phương vào cuộc để ngăn chặn đã giúp giá đất nền hiện không còn tăng nóng như 3 tháng đầu năm.
“Trong quý đầu năm, thị trường đất nền vẫn sôi động, nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm mạnh gần 20% so với tháng liền trước”, ông Đính nói.
Theo đó, ông Đính cho rằng, để đảm bảo giá đất nền trong thời gian tới được diễn biến ổn định, đúng với nhu cầu thực, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quyết liệt kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các dự án đầu tư, giao dịch đất nền…để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để tránh dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Theo VTC