Hình minh họa
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua để hỗ trợ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực. Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%. Các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng ở trạng thái dồi dào.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường BĐS trầm lắng, ngân hàng đang đứng trước không ít khó khăn. Trong đó, rủi ro lớn nhất là gia tăng nợ xấu. Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý 2-2020, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2 và 3,7% vào cuối năm 2020, có thể cao hơn tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Hết quý 1-2020, gần 20.000 DN tạm ngừng hoạt động, hàng chục ngàn DN đã phải thu hẹp sản xuất – kinh doanh, doanh thu giảm mạnh dẫn đến mất cân đối về tài chính, vì vậy không thể tất toán các khoản vay từ ngân hàng.
Trong số này, rủi ro cao nhất là những khoản vay của các DN BĐS, do thị trường đình trệ, tồn kho cao. Đó là chưa kể một bộ phận người lao động mất việc, thu nhập giảm nên mất khả năng trả nợ các khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà, đất. Mặc dù ngành ngân hàng cho biết hiện vẫn kiểm soát tốt tín dụng BĐS, nhưng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu BĐS dần hiện hữu. Thực tế cho thấy, hiện nhiều ngân hàng đã rao bán các khoản nợ xấu là BĐS để thu hồi nợ.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù thời điểm hiện tại thị trường BĐS chưa đi vào giai đoạn khủng hoảng, nhưng cần cẩn trọng trước các khoản nợ xấu BĐS. Hiện tượng rao bán tài sản thế chấp – BĐS ồ ạt cho thấy, các ngân hàng đã lo ngại về nợ xấu nên phải bán sớm nhằm đối phó với khoản dự phòng nợ xấu sẽ gia tăng mạnh.
Để có thể tránh tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia cho rằng, ngoài chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, nhất là các khoản vay vào lĩnh vực rủi ro như BĐS, chỉ tập trung cho vay nhu cầu mua nhà ở thật sự, nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh thêm.
Theo SGGP