Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị – Ảnh: THU HƯƠNG
Đó là một trong 8 nhóm giải pháp được bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày trước Quốc hội trong phiên chất vấn tại nghị trường vừa diễn ra cuối chiều 8-6.
Tiếp tục cho dự án đủ điều kiện vay vốn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, tạo điều kiện cho vay đối với bất động sản theo đúng quy định pháp luật thì các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án.
Cần tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.
Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhất là trái phiếu riêng lẻ, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán để tránh đầu cơ, thao túng…
Đồng thời, cần hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định. Qua đó, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của những doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản.
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.
Hàng trăm dự án bất động sản ách tắc thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn tới khan hiếm nguồn cung nhà ở trên thị trường – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Gỡ vướng cho các dự án ách tắc
Để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, một loạt nhóm giải pháp khác cũng được người đứng đầu ngành xây dựng đưa ra, đó là: Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường phát triển bền vững.
Tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp.
Kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, thúc đẩy triển khai các dự án.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, và thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Công khai thông tin về danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, dự án bất động sản lớn và quá trình sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp.
Tăng cường kiểm soát hoạt động các sàn giao dịch bất động sản, các hoạt động môi giới để kịp thời chấn chỉnh.
Từng bước hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: “Nguồn cung nhà ở sụt giảm mạnh”
Việc triển khai đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung sụt giảm mạnh ở các phân khúc.
Trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án, bằng khoảng 60% số dự án so với năm 2020.
Trong quý 1-2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 22 dự án, bằng khoảng 47% so với quý 4-2021, và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ 2021.
Số lượng dự án nhà ở thương mại đang xây dựng trên cả nước là 1.216 dự án, bằng khoảng 88%; số dự án được chấp thuận mới là 39 dự án, bằng khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Bất động sản, ngân hàng là 2 nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về phát hành trái phiếu
Bộ Tài chính cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt hơn 639.700 tỉ đồng (khoảng 27,8 tỉ USD), tăng 38,8% so với năm 2020.
Trong đó, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ, đạt hơn 605.500 tỉ đồng (26,3 tỉ USD), TPDN chào bán ra công chúng cùng kỳ đạt khoảng 34.100 tỉ đồng.
Quy mô nợ TPDN tính đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP toàn nền kinh tế (khoảng 66-67 tỉ USD), trong đó nợ TPDN phát hành riêng lẻ khoảng 16,84% GDP.
Theo Tuổi trẻ