Thời gian gần đây, thị trường bất động sản ven đô có dấu hiệu chững lại rõ rệt, nhiều chủ đất bắt đầu rao bán cắt lỗ.
Giá đất ven Hà Nội chững lại sau thời gian tăng mạnh. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Đầu tư 1 lô đất 80m2 tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) từ giữa năm 2021, đến nay chị Nguyễn Thị Hải Anh (Hà Đồng, Hà Nội) đang rao bán, tìm khách mua.
Lô đất có giá 1,4 tỷ đồng, tương đương khoảng 18 triệu đồng/m2. Thời điểm mua đất, chị Hải Anh chỉ có 600 triệu đồng tiền tiết kiệm, phải vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để mua lô đất này.
“Bạn bè tôi thời điểm ấy, ai buôn đất Thạch Thất cũng có lời, vì thế, tôi quyết định vay ngân hàng để thử vận may. Bây giờ thấy đất khu vực này hạ nhiệt, tôi rao bán 1,7 tỷ đồng nhưng mãi vẫn chưa tìm được khách mua, trong khi hàng tháng tôi phải trả cả gốc cả lãi khoảng 30 triệu đồng”, chị Hải Anh nói.
Không chịu được áp lực trả nợ, chị Hải Anh quyết định rao bán cắt lỗ lô đất này với giá 1,3 tỷ đồng, nhưng gần 2 tháng nay cũng vẫn chưa bán được.
Giống như chị Hải Anh, anh Vũ Minh Nhật (Ba Đình, Hà Nội) cũng đi vay hơn 500 triệu đồng để mua lô đất 100m2 tại xã Sơn Đông (Sơn Tây) vào thời điểm nhà đất ven đô đang “nóng”. Đến nay, lô đất anh mua có giá 1,2 tỷ đồng nhưng giờ cắt lỗ còn 1 tỷ đồng vẫn không bán được.
“Thấy đất đai sốt xình xịch, tôi cũng theo bạn bè mua đất đầu tư, nhưng lúc tôi mua giá đã quá cao, nên giờ thị trường trầm lắng, muốn bán rút tiền về trả nợ cũng khó”, anh Nhật buồn rầu nói.
Theo chị Đinh Ngọc Mai, một môi giới nhà đất, thời điểm này, giao dịch bất động sản ven đô trầm lắng hơn, giá đất không còn hiện tượng tăng nữa và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ.
“Trước đây 1 tháng tôi thực hiện hàng chục giao dịch mua bán cho khách, nhưng từ tháng 3 đến nay gần như không có giao dịch nào. Trong khi đó, số lượng chủ đất nhờ bán tăng vọt, nhưng người hỏi mua thì rất ít”, chị Mai chia sẻ.
Nguyên nhân của tình trạng này theo chị Mai là do vào cuối tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu cơ quan liên quan tạm dừng việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở… Sau lệnh siết tách thửa này, thị trường bất động sản ven Hà Nội trở nên vắng vẻ.
Nhiều môi giới nhà đất tại các vùng ven của Hà Nội cũng thừa nhận, sau khi “lệnh” siết phân lô tách thửa được thực hiện, không còn cảnh xe nối đuôi nhau đi xem, mua bán đất nữa. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ đến từ các nhà đầu tư mua lại trước đó.
Nếu trước kia, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay cũng không có người về mua nữa, do lệnh siết phân lô tách thửa đất nông nghiệp được thực hiện.
Theo khảo sát, hiện giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi đầu năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, hiện mức giá chững lại, không có dấu hiệu tăng lên.
Cụ thể, khu vực gần đường 420 Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động từ 9-12 triệu đồng/m2. Khu vực Đồng Mô, Yên Bài (Ba Vì) giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Tại Mỹ Lộc (Phúc Thọ) giá lô đất thổ cư rộng hơn 300m2 cũng có giá khoảng 9 triệu đồng/m2. Khu vực đường tỉnh 466 Yên Bình (Thạch Thất) dao động từ 9-11 triệu đồng/m2.
Theo VTC