Những ngày qua, giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh đang gây áp lực các chủ đầu tư tăng giá bán bất động sản.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao có nguy cơ làm tăng giá bán nhà – ĐÌNH SƠN
Giá tăng phi mã
Ngày 14.3, một số cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) tại TP.HCM báo giá xi măng Hà Tiên 1 tăng thêm 5.000 đồng/bao, lên 92.000 đồng/bao 50 kg và cho biết giá sẽ còn tiếp tục tăng bởi mới đây, Công ty CP xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) thông báo sẽ tăng giá bán 100.000 đồng/tấn từ ngày 23.3 đối với các loại xi măng bao (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo công ty, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng hiện đều tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Vì vậy, công ty phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí.
Tương tự, Công ty CP xi măng Xuân Thành cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 20.3.
Không chỉ xi măng, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) khiến giá phôi tăng mạnh. Ngày 14.3, theo báo giá của một số cửa hàng VLXD tại Q.7 (TP.HCM), giá thép cuộn D6 và D8 của tất cả các thương hiệu phổ biến đều tăng thêm 600.000 – 900.000 đồng/tấn. Cụ thể, thép Việt Nhật là 21 triệu đồng/tấn, thép Hòa Phát lên 20,4 triệu đồng/tấn, Pomina lên 20,8 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2021, giá thép các loại đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn và cao hơn đỉnh của năm 2021. Giới kinh doanh sắt thép cho biết, giá thép liên tục tăng từ đầu năm đến nay chủ yếu do giá nguyên liệu thế giới đi lên. Cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… khiến giá thành sản xuất tại các công ty đi lên. Nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện tại, không ai có thể dự đoán được giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa hay quay đầu giảm như năm trước. Bản thân doanh nghiệp cũng chỉ biết nhập vào tháng nào thì sẽ điều chỉnh giá bán ra tương ứng theo từng tháng.
Khó kìm giá nhà
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú Đông, cho biết giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, trong đó riêng chi phí sắt thép chiếm 15 – 20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu giá VLXD tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền.
Theo lãnh đạo Công ty Hưng Thịnh Land, một năm nay giá sắt thép tăng khoảng hơn 40%. Việc giá xăng tăng liên tục đã làm cho giá nhân công cũng như các loại vật tư khác tăng theo. Trong chi phí xây dựng 1 m2 căn hộ thì VLXD chiếm khoảng 60%, nên giá VLXD tăng bao nhiêu thì giá thành căn hộ cũng sẽ tăng tương ứng. Trước tình cảnh này, nhiều nhà thầu xin điều chỉnh lại giá hoặc xin hỗ trợ giá nếu đã ký tổng thầu.
Dù vậy, do từ đầu năm đến nay thị trường trầm lắng, dịch bệnh vẫn chưa giảm và đặc biệt là lượng khách hàng ít nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng. Điều này khiến không ít người rơi vào cảnh “làm cũng chết mà không làm cũng chết” bởi nhiều nhà thầu vì ký hợp đồng thi công trọn gói tìm cách kéo dài tiến độ chờ giá xuống cho đỡ lỗ. Dự án nguy cơ bị chậm tiến độ, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt vì chậm giao nhà. Trong khi đó, đa số nhà thầu đều “kêu trời” cho rằng giá VLXD tăng đã gây nhiều khó khăn khi phải đau đầu tính toán lại công việc đang triển khai. Theo tính toán của họ, mỗi công trình chỉ lời khoảng 3 – 5%, nên giá VLXD tăng là nhà thầu lỗ ngay lập tức. Chính vì vậy, đa số đều mong chủ đầu tư chia sẻ để thi công dự án được tốt, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Ông Lương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam (TP.HCM), than rằng ngoài giá sắt thép, cát, gạch… tăng cao, chi phí lao động cũng tăng. Cụ thể, ngày công thợ chính từ 500.000 đồng/ngày cuối năm vừa qua nay lên 550.000 đồng/ngày. Chỉ riêng chi phí nhân công đã chiếm 30% giá trị công trình. Vì vậy, chi phí xây dựng công trình dân dụng nếu như trước đây từ 3,6 – 3,8 triệu đồng/m2 nhà thô thì nay lên tối thiểu 4,3 triệu đồng/m2 và dự kiến sẽ còn tiếp tục lên. Các nhà thầu lúc này khi tính toán để ký hợp đồng với chủ nhà cũng phải khá kỹ để không bị lỗ, hoặc phải ký theo dạng hợp đồng kèm điều khoản trượt giá.
Theo Thanh niên