Thúc đẩy nền quản trị đất đai minh bạch và trách nhiệm

Việc công khai thông tin đất đai trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của chính quyền cấp tỉnh và huyện đã có sự cải thiện đáng kể sau 4 vòng đánh giá từ năm 2021 đến năm 2024.

Đó là những phát hiện từ nghiên cứu Đánh giá việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh năm năm 2024, tiếp nối ba vòng đánh giá trước đó từ năm2021-2023. Nghiên cứu do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện nhằm thúc đẩy những thực hành tốt trong công khai thông tin đất đai, đồng thời cung cấp dẫn cứ hướng tới cải thiện việc thực thi Luật Đất đai 2024 phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp.

Theo nghiên cứu, tính đến ngày 6/10/2024, có 53/63 tỉnh, thành phố (chiếm 84,1%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử địa phương, tăng 41,2% so với năm 2021.

Đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, 70,9% trong số 704 UBND cấp huyện đã công khai kế hoạch năm 2024, tăng 23% so với năm 2021, nhưng chỉ 32,06% hồ sơ được ban hành đúng hạn (trước ngày 31-12-2023).

Về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030, có 452 hồ sơ được công khai trên 704 huyện (chiếm 64,2%), trong đó Bắc Giang là tỉnh duy nhất duy trì công khai đầy đủ qua ba vòng đánh giá từ năm 2022 đến nay.

Tính đến ngày 6/10/2024, có 53/63 tỉnh, thành phố đã đăng tải công khai bảng giá đất trên Cổng thông tin điện tử địa phương.

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh không tổ chức chính quyền cấp huyện và sáp nhập xã theo đề án của Chính phủ hiện nay, chính quyền cấp tỉnh vẫn cần thực hiện công khai thông tin đất đai trước, trong và sau khi sáp nhập. Việc tập trung đầu tư có hệ thống vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ rất cần thiết để chính quyền cơ sở kịp thời cập nhật và duy trì thông tin đất đai trên cổng thông tin của chính quyền, đảm bảo người dân luôn được cập nhật về các kế hoạch sử dụng đất mới nhất.

Nghiên cứu khuyến nghị cần rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến tiếp cận và công khai thông tin đất đai phù hợp với bối cảnh mới.

Đồng thời, đảm bảo có trang thiết bị, phần mềm cần thiết để thu thập, quản lý, lưu trữ và truy xuất dữ liệu đất đai một cách hiệu quả. Đặc biệt là xây dựng và nâng cấp cổng TTĐT cấp tỉnh và cấp xã để lấp đầy khoảng trống thông tin do thiếu chính quyền cấp huyện.

Đồng quan điểm này, bà Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, (Tổng cục Đất đai) cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã có các quy định cụ thể về công bố công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. “Trong bối cảnh không còn đơn vị hành chính cấp huyện, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật, trong đó quy định trách nhiệm công bố công khai thông tin đất đai của cấp cơ sở.”, bà Anh nói.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Tống Khánh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm CEPEW nhấn mạnh, việc công khai thông tin đất đai có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy một nền quản trị đất đai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong khi Việt Nam đang xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chính quyền cấp tỉnh và cấp cấp cơ sở sẽ càng phải nêu cao trách nhiệm công khai thông tin đất đai một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và thuận tiện. Cần tiếp tục thúc đẩy và thực thi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 ở tất cả các cấp, đặc biệt cần đảm bảo phân bổ nhân sự có năng lực để thực hiện công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân.

Lê Quân ( Theo: Bộ TN&MT)