Bố cục Chương 2 Luật đất đai 2024
Chương 2, Quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; gồm 14 điều (từ điều 12 đến điều 25): Sở hữu đất đai; Quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai; Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; Trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai; Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai; Nội dung quản lý nhà nước về đất đai; Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương các cấp; Cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã; Quyền của công dân đối với đất đai; Quyền tiếp cận thông tin đất đai; Nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
Điều khoản bổ sung nằm trong Chương 2
Điều 16, Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; gồm 9 khoản, giữ nguyên khoản 1 (Quy định bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số) và bổ sung 8 khoản mới ( từ khoản 2 đến khoản 9). Những nội dung bổ sung gồm: Chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ đất cho cá nhân người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước hỗ trợ đất lần đầu, nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức; Đất để thực hiện các chính sách trên được bố trí từ quỹ đất do Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất địa phương để hỗ trợ đất đai đối với cá nhân người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước hỗ trợ đất lần đầu, nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện; Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện về trường hợp không còn đất, thiếu đất sản xuất, không còn nhu cầu sử dụng đất, vi phạm chính sách đất đai; Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác; Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Điều 19 được bổ sung mới hoàn toàn; quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, bao gồm 7 nội dung: Một là, tham gia xây dựng pháp luật về đất đai. Hai là, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp. Ba là, tham gia ý kiến về trường hợp thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất. Bốn là, tham gia ý kiến giám sát quá trình xây dựng bảng giá đất và thực hiện bảng giá đất. Năm là, tham gia hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật. Sáu là, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai. Bảy là, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về đất đai, vận động nhân dân thực hiện và chấp hành tốt chính sách, pháp luật về đất đai.
Điều 23 được bổ sung mới hoàn toàn; quy định quyền của công dân đối với đất đai, bao gồm 6 nội dung: Một là, tham gia xây dựng góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Hai là, tham gia quản lý nhà nước, góp ý thảo luận và kiến nghị phản ánh với cơ quan nhà nước, về công tác quản lý sử dụng đất đai. Ba là, quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai. Bốn là, tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật. Năm là, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua bán nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Sáu là, thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.
Điều 25 được bổ sung mới hoàn toàn; quy định nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bao gồm 3 nội dung: Một là, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Hai là, giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất. Ba là, tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.
Những Điều khoản quan trọng người dân cần biết trong Chương 2
Điều 17, quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai, với ba nội dung: Một là, Nhà nước đảm bảo người dân có quyền tiếp cận với hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, theo hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hai là, công bố kịp thời công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người dân, trừ thông tin bí mật. Ba là, Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất hoặc có quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng. Đây là điều luật không mới và thường được người dân quan tâm nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ Nhà nước cung cấp thông tin đất đai, ở đây cụ thể là những thông tin gì? Người dân có quyền được tiếp cận hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, vậy hệ thống đó là gì? Tiếp cận bằng cách thức nào? Phương tiên nào? Ai, đơn vị nào là nơi cung cấp, hướng dẫn người dân thực hiện quyền đó?
Tương tự như vậy, Điều 24, quy định quyền tiếp cận thông tin đất đai; bao gồm 10 nội dung: Công dân được tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; thông tin kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; thông tin giao đất và cho thuê đất; thông tin bảng giá đất đã được công bố; thông tin phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông tin kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; thông tin thủ tục hành chính về đất đai; thông tin văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; thông tin khác theo quy định của luật đất đai; Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của luật này và các luật khác có liên quan. Đây là điều luật vô cùng quan trọng, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân và là chìa khóa mở ra mọi nút thắt, mâu thuẫn trong mối quan hệ quản lý đất và người sử dụng đất. Nhưng trên thực tế, các địa phương chưa tập trung nguồn lực công nghệ và con người để thực thi hiệu quả Điều luật này. Mặt khác, ngay cả người dân sử dụng đất cũng chưa nắm vững quyền lợi hợp pháp của mình, dẫn tới quyền lợi không được bảo đảm, thậm chí bị xâm phạm trên thực tế.
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường