Sau 9 lần ban hành và sửa đổi qua các năm 1987, 1993, 1998, 2001, 2003, 2009, 2013, 2018 và 2024, Luật đất đai năm 2024, đã được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 1 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Luật 2024 gồm16 chương với 260 điều; 5 mục tiêu và 6 phương pháp;… sẽ sớm khắc phục những tồn tại của Luật đất đai 2018.
Năm mục tiêu
Luật đất đai năm 2024 đặt ra 5 mục tiêu cần giải quyết: Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai. Hai là, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế. Ba là, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bốn là, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Năm là, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Sáu phương pháp
Để triển khai 5 mục tiêu này, Luật đất đai 2024 đưa ra sáu phương pháp thực hiện. Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết đại hội lần thứ 13, Nghị quyết số 18- NQ/TW và các Nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Thứ hai, bảo đảm kế thừa, ổn định và phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Thứ ba, đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội các cấp và Nhân dân. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả và bền vững. Thứ sáu, hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung; phục vụ đa mục tiêu kết nối từ trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
TheoTrung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường