Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị nới trần tín dụng thêm 1%, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng trong 36 ngày tới.
HoREA cho rằng nếu không xử lý kịp thời, bất động sản sẽ trượt vào suy thoái, kéo theo khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão, tức 36 ngày tới”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA viết trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
Thay mặt các doanh nghiệp trong hiệp hội, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, tức nâng tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn này là dự án phải có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.
Theo ông, chỉ số CPI trong 11 tháng đầu năm chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm nay tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra. Thu ngân sách Nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm đã cho thấy nền kinh tế có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Do đó, việc nới room tín dụng là khả thi, không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết của doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà hiện nay, mà còn có tác động lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong văn bản lần này, vị Chủ tịch HoREA nhắc lại thực tế các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.
Dẫn lại khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định Nhà nước phải có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng, ông Châu nhấn mạnh nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông khẳng định các giải pháp xử lý không phải để “giải cứu”, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.
Về phía doanh nghiệp, ông cho rằng họ phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩmhướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn để phục hồi, tăng trưởng, phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Theo Zing