Công cuộc hồi sinh Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành trị giá 1,6 tỷ USD thi công dang dở vẫn còn rất nhiều trở lực cần phải vượt qua trong 1-2 tháng tới.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thi công dang dở, cần được gia hạn hiệp định vay để tái khởi động.
Nới van áp lực
Áp lực nghẹt thở liên quan đến việc gia hạn khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xả bớt sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính có Công thư gửi ADB hôm 10/7, thông báo việc Chính phủ Việt Nam ủng hộ gia hạn Dự án đến ngày 31/12/2023 và mong muốn tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.
“Phía ADB đã tạm dừng xem xét đóng khoản vay số 2 (3391-VIE) có tổng giá trị 286 triệu USD để chờ đề xuất chính thức từ phía Chính phủ Việt Nam về gia hạn và điều chỉnh khoản vay”, lãnh đạo VEC cho biết.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 234/TB – VPCP ngày 9/7/2020, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành do VEC làm chủ đầu tư được tổ chức hôm 8/7.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ngay thư gửi ADB trước ngày 10/7/2020, đề nghị ADB gia hạn Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Trong đó, thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án.
“Trước mắt, đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15/7/2020”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, nếu Bộ Tài chính không kịp gửi công thư đề nghị gia hạn Hiệp định khoản vay số 2 (3391 – VIE) trước ngày 10/7 (giá trị còn lại khoảng 250 triệu USD), nhà tài trợ sẽ đóng khoản vay này như đã làm với khoản vay số 1 (2730 – VIE, có giá trị còn lại 177/350 triệu USD) hồi giữa năm 2019. Khi đó, Dự án sẽ không có vốn để tái khởi động công trường đã đình trệ từ đầu năm 2019, do chủ đầu tư không thể tìm được nguồn thay thế để hoàn tất các hạng mục vay vốn ADB với giá trị còn lại khoảng 4.665 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD.
Ngoài ra, việc Dự án chưa thể xác định thời điểm sẽ hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác còn tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro pháp lý đối với các đơn vị tham gia thực hiện Dự án, phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại từ phía các nhà thầu quốc tế, không phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Được biết, không phải đợi “nước đến chân”, ngay từ cuối năm 2018, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp việc khẩn trương gia hạn các hiệp định vay ADB để đảm bảo nguồn vốn từ nhà tài trợ này được cung cấp đầy đủ khi các gói thầu xây lắp được hoàn thành sau khi điều chỉnh lại tiến độ theo đúng diễn biến thực tế, cũng như việc bố trí vốn nước ngoài cho Dự án.
Tính từ năm 2018 đến nay, chủ đầu tư đã gửi tới gần 40 văn bản tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sớm hoàn tất các thủ tục để gia hạn hiệp định cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, vì một số lý do, đến tháng 5/2020, quá trình gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án mới được giao Bộ GTVT khởi động chính thức.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, từ tháng 3/2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án và kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện thẩm quyền của cấp quyết định đầu tư.
Nguy cơ tê liệt kéo dài
Tính đến tháng 6/2020, Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành gồm 11 gói thầu xây lắp có sản lượng thi công đạt 10.663/13.624 tỷ đồng (khoảng 78,28%) tổng giá trị các hợp đồng (không bao gồm dự phòng, thuế).
Cụ thể, đoạn phía Tây sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 2730-VIE gồm 5 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), khối lượng thi công đạt khoảng 87,15%. Đoạn tuyến này đang không có vốn để tiếp tục thi công do Hiệp định vay 2730 – VIE đã đóng, thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu đã hết, chưa được gia hạn.
Đối với đoạn sử dụng vốn từ khoản vay JICA (gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3) cũng đang thi công dang dở. Mặc dù thời gian hiệu lực của Hiệp định vay JICA là đến tháng 7/2024, nhưng các gói thầu đang tạm dừng do các dự án của VEC chưa được giao vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, theo đó vốn nước ngoài chưa được cấp cho VEC từ tháng 1/2019.
Lãnh đạo VEC cho biết, hiện tiến độ căng thẳng nhất là tại đoạn phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 3391-VIE (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7). Khối lượng thi công đoạn này mới đạt khoảng 38,66%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (tháng 12/2020), thời gian Hiệp định vay nhưng thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thời gian thực hiện Dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Hiệp định vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 cần được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư.
Tương tự các gói thầu xây lắp, thời gian thực hiện hợp đồng của các gói thầu tư vấn giám sát và các gói thầu xây lắp, tư vấn phụ trợ khác trong Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đã kết thúc, cần phải được điều chỉnh tương ứng theo tiến độ thi công.
Cần phải nói thêm rằng, áp lực đối với chủ đầu tư đang rất lớn sau khi các nhà thầu Nhật Bản liên tục có nhiều khiếu nại gửi JICA, VEC yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hợp đồng do VEC không bố trí được nguồn vốn và yêu cầu các chi phí phát sinh do chậm thanh toán khoảng 15 triệu USD.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc Bộ Tài chính gửi công thư tới ADB xin gia hạn hiệp định vay chỉ là bước khởi đầu cho cuộc “trường chinh” gỡ vốn, giải cứu Dự án được đánh giá là vừa phức tạp, vừa cấp bách, trong đó việc làm đầu tiên chính là các cơ quan chức năng cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Ngoài việc gia hạn tiến độ đến ngày 31/12/2023, gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung ADB đến ngày 31/12/2023, chủ đầu tư cần được Thủ tướng cho phép sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định và đầu tư xây dựng các nhà trạm, nhà điều hành… phục vụ công tác thu phí hoàn vốn Dự án.
“Các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7/2020 để hoàn thành việc gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay ADB trong tháng 8/2020”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Một điều kiện quan trọng khác để Dự án có thể khởi động trở lại và kịp hoàn thành các gói thầu xây lắp trước tháng 10/2021 là các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các cơ quan liên quan cần tháo gỡ ngay vướng mắc về vốn đầu tư công cho Dự án, thực hiện giao vốn từ tháng 9/2020.
“Đây đều là những công việc rất phức tạp về trình tự, thủ tục, đòi hỏi thời gian giải quyết gấp rút, nên nếu không nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan liên quan, nguy cơ không thể tái khởi động Dự án sau 1 – 2 năm nữa là rất cận kề”, lãnh đạo VEC cho biết.
Tổng quan Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành
Cơ quan chủ quản: Bộ GTVT
Chủ dự án: VEC
Nhà tài trợ: ADB, JICA
Quy mô và nội dung đầu tư: Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng khoảng 58 km đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với quy mô 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 120 km/h, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.
Tổng mức đầu tư, loại vốn ODA của dự án: tổng mức đầu tư dự án là 1.607,4 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 635,7 triệu USD; vốn vay JICA là 634,8 triệu USD; vốn đối ứng là 336,9 triệu USD.
Theo Báo đầu tư