Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel).
Bộ Xây dựng đề xuất cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua bất động sản du lịch tại Việt Nam. Ảnh: TẤN LỘC
Trong đó có 48 dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ và 3.359 biệt thự đang triển khai xây dựng.
Báo cáo của 34 tỉnh, TP gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I-2020 có năm dự án BĐS được cấp phép đầu tư với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép. Loại hình căn hộ du lịch mới hình thành ở nước ta nhưng đang phát triển rất nhanh, chủ yếu ở các vùng ven biển.
Thời điểm này, thị trường cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho BĐS tăng mạnh, ước tính giá trị tồn kho của các doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn tương đương 104.550 tỉ đồng. Lượng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tại mỗi tòa nhà chung cư cần tăng số lượng nhà ở mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu.
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng nhu cầu của các cá nhân nước ngoài với loại hình BĐS du lịch là rất lớn nhưng nhóm đối tượng này chỉ được mua nhà ở. Vì vậy, VNREA kiến nghị cho phép cá nhân nước ngoài mua các loại hình sản phẩm khác như BĐS du lịch để thu hút vốn đầu tư lớn. Việc quản lý có thể thông qua các quy định tương tự như quy định khi người nước ngoài mua nhà ở.
Các chuyên gia cho rằng người nước ngoài có nhu cầu mua các BĐS cao cấp nên việc cho phép họ mua BĐS du lịch là phù hợp. Hơn nữa, dự án nghỉ dưỡng là đất thuê có thời hạn. Kinh doanh căn hộ du lịch vẫn phải phụ thuộc vào chủ đầu tư dự án, người nước ngoài chỉ mua căn hộ để được chia lợi nhuận hoặc họ có tự cho thuê thì cũng phụ thuộc vào quy định của chủ đầu tư. Vì vậy, cho phép người nước ngoài mua BĐS du lịch không đáng lo ngại.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc cho người nước ngoài mua BĐS du lịch phải quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục tương tự như quy định đối với nhà ở. Theo đó, người nước ngoài không được sở hữu bao gồm các nhóm sản phẩm có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Theo PLO