Nhiều người mua bất động sản có tâm lý chờ hàng cắt lỗ vì dịch bệnh Covid-19 – ẢNH LÊ QUÂN
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, xã hội. Thị trường chứng khoán biến động, đầu tư rủi ro lớn nên anh Nguyễn Quang Tuấn (45 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định rút tiền để đầu tư vào kênh khác.
Có hơn 10 tỉ đồng, anh Tuấn cho biết đang có ý định đầu tư vào bất động sản, tuy nhiên phải là hàng cắt lỗ hoặc chủ đầu tư dự án bán rẻ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. “Trước tôi từng mua một lô đất cắt lỗ rồi, mua gần 2 tỉ đồng mà sau thị trường lên, lãi gần 80%, tỷ suất cao hơn cả đầu tư chứng khoán”, anh Tuấn nói. Do đó, lần này, anh cũng muốn tìm chung cư hoặc đất liền kề với giá cắt lỗ vì dịch bệnh Covid-19.
Chị Trần Thanh Xuân (38 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang có ý định mua một căn chung cư tại quận Cầu Giấy, cho biết đã tìm hiểu từ 1 tháng nay nhưng chưa thấy dự án nào giảm giá. Theo khảo sát tại các sàn bất động sản, chị Xuân cho hay tình hình giao dịch có chậm hơn, nhưng các chủ đầu tư đều chưa giảm giá.
“Tôi cứ nghĩ dịch bệnh Covid-19 thế này thì các doanh nghiệp bất động sản phải bằng mọi cách để đẩy hàng ra. Hoặc có mua bán sang tay thì cũng có thể mua được nhà giá tốt từ những người muốn bán nhà do gặp khó khăn với dịch bệnh Covid-19. Nhưng tìm được căn ưng ý, giá hợp lý lại không dễ”, chị Xuân nói.
Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá nặng nề nên nhiều người đang kỳ vọng sẽ mua được nhà đất với giá cắt lỗ – ẢNH LÊ QUÂN
Thị trường rất trầm lắng
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tình hình thị trường bất động sản quý 1 năm nay rất trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.
Theo ông Đính, tổng sản phẩm dự án nhà ở chào bán trên cả nước, gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán đạt hơn 53.200 sản phẩm nhưng số giao dịch thành công chỉ là hơn 7.600 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thu 14,3%.
Tại Hà Nội, có hơn 8.950 căn hộ được chào bán nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.300 sản phẩm. Tại TP.HCM, có hơn 8.400 căn hộ được chào bán, nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.400 sản phẩm. Tuy vậy, giá bán không giảm, cũng chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá.
Cũng theo ông Đính, trước mắt, thị trường sẽ có hàng cắt lỗ vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, do người phải đi vay vốn mua bất động sản để kinh doanh phải bán rẻ, cắt lỗ, hay những người làm ăn thất bát buộc phải bán bất động sản. Dù vậy, sẽ không có nhiều hàng nếu chính sách trợ giúp của nhà nước tốt và ngược lại. Hàng cắt lỗ trên thị trường bất động sản sẽ là thứ cấp là chủ yếu.
Cũng theo ông Đính, về lâu dài, thị trường bất động sản ở nước ta vẫn được đánh giá tiềm năng rất tốt, lực cầu rất lớn, biểu hiện rõ nhất là hàng năm vốn FDI vẫn thu hút được khá nhiều.
Theo chuyên gia, lượng bất động sản cắt lỗ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chính sách hỗ trợ của nhà nước – ẢNH LÊ QUÂN
Cần cập nhật thật sát sao
Hiện chưa thống kê được số lượng hàng cắt lỗ. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc thị trường xuất hiện các mặt hàng cắt lỗ là chuyện đương nhiên.
Ông Châu cho rằng, từ chủ đầu tư đến khách hàng đều có ngưỡng chịu đựng. “Việc bán lỗ, bán tháo cũng có thể xuất hiện nếu như ngân hàng siết nợ. Điều này hoàn toàn bình thường trong nền kinh tế thị trường”, ông Châu nêu ý kiến.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, tâm lý kỳ vọng mua được sản phẩm với giá cắt lỗ trong dịch bệnh Covid-19 của nhà đầu tư, khách hàng trên thị trường là có thật. Bất cứ ở cuộc khủng hoảng kinh tế nào, nhà đầu tư cũng kỳ vọng mua được những sản phẩm với giá “bắt đáy” như vậy. Các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, vị này cho biết rất khó để xác định hiện thị trường đã là đáy hay chưa.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đồng quan điểm này, tuy nhiên, mọi thông tin phải được cập nhật và theo dõi sát sao. Nhà đầu tư phải đầu tư sao cho có hiệu quả vì không có bất cứ một nguyên tắc nào cố định với vận hành của thị trường.
Nếu thị trường có những dấu hiệu không tốt thì việc cắt lỗ cũng không có gì là lạ. “Nợ thì mòn, con thì lớn. Bán cắt lỗ được còn hơn ôm đó để mà chết”, vị này bình luận. Do đó, theo ông Châu, mọi thông tin trên thị trường cần được theo dõi và cập nhật sát sao. Nhà đầu tư cần tính toán đầu tư làm sao cho có hiệu quả.
Theo Thanh niên