Nâng cao các ứng dụng của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET

Lần đầu tiên Việt Nam hoàn thành có được mạng lưới các trạm định vị vệ tinh thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công trình hoàn thành sẽ làm thay đổi cơ bản hạ tầng đo đạc theo xu hướng hiện đại và đáp ứng độ chính xác cao, góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ đối với Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ qui chiếu và hệ tọa độ quốc gia 3D theo quan điểm động; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái đất.

Đây là một trong những công trình khoa học công nghệ tiêu biểu của ngành tài nguyên và môi trường trong năm qua; là một trong mười sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2019. Đặc biệt, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đang báo cáo đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trương xem xét để đề nghị công trình này tuyển chọn trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Ngoài ứng dụng hiệu quả trong chuyên ngành về đo đạc bản đồ, công nghề này ứng dụng trong khí tượng. Cụ thể dữ liệu GNSS đo liên tục có khả năng phục vụ công tác nghiên cứu tầng khí quyển căn cứ vào độ trễ của tín hiệu khi di chuyển qua tầng điện ly và tầng đối lưu. Kết quả này sẽ được sử dụng để xây dựng bản đồ hiện trạng tầng khí quyển phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, dữ liệu đo GNSS liên tục kết hợp với dữ liệu thu được từ các các thiết bị cảm biến khí tượng tích hợp cùng các trạm CORS còn được sử dụng để tính lượng bốc hơi và ngưng tụ của hơi nước trong không khí (PWV) phục vụ công tác dự báo thời tiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành ấn nút ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Ứng dụng trong nghiên cứu khoa học trái đất. Cụ thể giám sát chuyển dịch của các mảng kiến tạo lớp vỏ Trái đất trong phạm vi 24 trạm CORS Geodetic liên tục hàng tháng, hàng quý, hàng năm; Mô hình hóa và giám sát sự biến đổi của tầng điện ly, tầng đối lưu; Xác định tổng lượng điện tử tự do và tổng lượng hơi nước; Tính toán chính xác các tham số quỹ đạo vệ tinh theo định dạng sp3.

Ngoài ra, hỗ trợ cho các công nghệ hiện đại khác như: Truyền số cải chính theo các định dạng phổ cập khác nhau theo giao thức thông dụng NTRIP cho phép dễ dàng cài đặt, tích hợp trong các thiết bị hiện đại phục vụ cho đa ngàn đa mục đích sử dụng như nông nghiệp, UAV, giao thông, Smart City, Logistics vv… Điển hình như xây dựng phần mềm trên nền tảng hệ điều hành của điện thoại thông minh cho phép tích hợp điện thoại có kết nối 3G để nhận số cải chính NTRIP đồng thời kết nối qua Bluetooth hoặc cổng COM với máy thu GNSS để nhận được tọa độ chính xác ngay trên màn hình điện thoại; Chế tạo Modul phần cứng cho phép nhận số cải chính NTRIP qua sóng 3G/4G/5G và kết nối bằng Bluetooth hoặc cổng COM với máy thu GNSS, qua đó tính toán chính xác tọa độ / độ cao ở thời gian thực và xuất ra 1 cổng vật lý hoặc giao thức không dây theo định dạng NMEA cho thiết bị tiếp nhận của bên thứ 3; Xây dựng ứng dụng dạng Mobile-GIS in Field cho phép giám sát và cập nhật CSDL thông tin địa lý ngay ngoài thực địa song song với việc phê chuẩn và đồng bộ hóa với CSDL trên máy chủ ở trong phòng.

NB